| Hotline: 0983.970.780

Những điều ít biết về phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử Quốc hội (1946): [Kỳ 1] Một cảnh tượng lạ lùng chưa từng có

Thứ Ba 05/11/2019 , 09:35 (GMT+7)

Tại phiên chất vấn Chính phủ đầu tiên của kỳ họp Quốc hội chiều 31/10/1946, ông Đỗ Đức Dục - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục - làm Chủ tọa.

Công chúng đến dự thính đông gấp bội. Ảnh: Tư liệu.

Người dân được vào dự thính kỳ họp

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I kéo dài từ 23/10 đến 9/11/1946 tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội). 290 đại biểu tham dự kỳ họp. Do hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, một số đại diện Nam Trung Bộ và Nam Bộ không ra dự họp được. Trong hai ngày 30 - 31/10/1946, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo công tác và có phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn.

Sáng 31/10/1946, người dân được vào dự thính kỳ họp, có quyền khen chê Chính phủ. Đại diện các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ, các phóng viên Mỹ, Pháp, Hoa và Việt Nam có mặt đông đủ. 

Ông Đỗ Đức Dục làm Chủ tọa phiên chất vấn Chính phủ đầu tiên. Ảnh: Tư liệu.

Đặc biệt, chiều 31/10/1946, theo phản ánh của báo chí, công chúng đến dự thính đông gấp bội các phiên họp trước. Họ đứng và ngồi kín cả trong lẫn ngoài Nhà hát Lớn (Hà Nội) để chứng kiến “một cảnh tượng lạ lùng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng đã do cuộc Cách mạng tháng Tám mang lại: các đại biểu của nhân dân đứng lên chất vấn những công việc mà nhân dân đã ủy nhiệm cho Chính phủ gánh vác”, báo Cứu quốc mô tả.

Tại phiên chất vấn Chính phủ đầu tiên của kỳ họp Quốc hội chiều 31/10/1946, ông Đỗ Đức Dục - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục - làm Chủ tọa. Trên hai hàng ghế đầu của nghị trường, công chúng nhận thấy đủ mặt các Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng trong các Bộ của Chính phủ.

Ba giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng bước vào nghị trường.

Bắt đầu phiên họp, ông Đỗ Đức Dục đọc lại thể lệ về việc chất vấn trong bản nội quy, rồi tuyên bố rằng, trong buổi sáng, Chính phủ đã nhận được 88 câu hỏi và đã xếp chung lại từng loại. Câu hỏi được xếp thành từng loại, các Bộ bị chất vấn sẽ theo thứ tự những câu hỏi ấy mà trả lời. Các đại biểu khi chất vấn không cần phải đứng lên hỏi nữa. Khi nghe trả lời xong, nếu có điều gì còn thắc mắc hoặc nghi vấn, các đại biểu mới hỏi lại.

Phiên họp đến 1h sáng hôm sau

Hồ Chủ tịch bước lên diễn đàn đầu tiên. Tiếng vỗ tay ran lên chào Người một hồi lâu. Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo: “Sáng nay, Chính phủ đã nhận được 62 câu hỏi. Nửa tiếng đồng hồ, lại nhận được thêm 26 câu nữa. Tất cả 88 câu. Chính phủ trước hết xin cám ơn Quốc hội vì sự đó tỏ ra Quốc hội hết sức quan tâm đến các vấn đề của quốc gia và sự chất vấn này có thể biểu lộ được rõ ràng cái tinh thần dân chủ thật thà của người Việt Nam”.

Các đại biểu vỗ tay tán thành nhiệt liệt.

“Chính phủ đã xét kỹ càng các câu hỏi ấy và cho ra hai loại: Nội chính và Ngoại giao. Trong hai loại ấy, lại chia ra những câu thuộc về từng Bộ: Quân sự, Quốc phòng, Ngoại giao, Kinh tế, v.v… Những câu hỏi chú trọng nhất là về Quân sự, rồi đến Tài chính, Tư pháp, Nội vụ”, Chủ tịch Chính phủ nói.

Lễ ra mắt Chính phủ có mặt Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, Bộ trưởng Nguyễn Tường Tam. Ảnh: Tư liệu.

Nghị trường “nóng” lên khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Hồ Chủ tịch về việc đào nhiệm của Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết:

“Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, về ông nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và về ông nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh? Các ông ấy bây giờ không có mặt ở đây. Lúc này, nước nhà đương gặp khó khăn... mà các ông ấy lại bỏ đi, thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào. Những người bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ không đủ năng lực mà gánh nổi. Nay không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại, chống đối không nổi với lương tâm, với đồng bào, với Tổ quốc mà trở về thì chúng ta vẫn hoan nghênh”.

Đại biểu Trần Đình Tri (tỉnh Quảng Nam) thuộc nhóm Xã hội chất vấn tiếp về việc ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Việt Nam không có hải, lục, không quân, thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc nhận mà làm Tổng tư lệnh và nếu ông tổ chức được hải, lục, không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh”.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục thắc mắc việc ông Chu Bá Phượng (đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng) Bộ trưởng Kinh tế Quốc gia đi dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp (tháng 5/1946) mang theo vàng để buôn lậu, bị nhà chức trách Pháp phát hiện, các báo Pháp đều đăng tin này.

Phía dưới nghị trường, Bộ trưởng Chu Bá Phượng đang có mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp: “Các báo Pháp đều đăng tin, nhưng tin ấy có thật hay không thì đã qua rồi nên thôi xin đừng nhắc đến. Nếu trong Chính phủ còn có những người khác làm lỗi, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào”.

Phiên họp của Quốc hội chất vấn Chính phủ ngày 31/10/1946 kéo dài đến 23h45. Thay mặt Chính phủ, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Chính phủ hiện giờ thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng, lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập”.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thay mặt Chính phủ hiện thời xin từ chức, trao lại quyền cho Quốc hội để bầu ra Chính phủ mới theo nguyên tắc dân chủ. Ông Trần Hữu Dực trong đoàn chủ tịch thay mặt Quốc hội nhận lời từ chức của người đứng đầu Chính phủ.

Đến 1h sáng ngày 1/11/1946, phiên họp kết thúc. Những ngày sau của kỳ họp, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Hiến pháp và những chính sách mới.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Mike Tyson thua nhưng vẫn bỏ túi gần 20 triệu USD

'Võ sỹ thép' Mike Tyson không chiến thắng được tuổi tác và thua trước trận so găng trước tay đấm trẻ Jake Paul.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.