Hơn hai tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết nghị về việc lập Bộ Canh nông. Bộ trưởng đầu tiên là ông Cù Huy Cận.
Hai nhiệm vụ chính được giao là tăng gia sản xuất cấp tốc để giải quyết nạn đói hiện thời và soạn chương trình kiến thiết về kinh tế nông nghiệp sau này, đồng thời đặt những căn bản đầu tiên cho cuộc kiến thiết ấy.
Đến tháng 2/1955, Chính phủ thành lập Bộ Nông lâm, thay cho Bộ Canh nông. Cuối năm 1960, Bộ Nông lâm được tách thành 4 tổ chức: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Lâm nghiệp. Tháng 12/1969, Bộ Lương thực và Thực phẩm được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Lương thực với ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm tách từ Bộ Công nghiệp nhẹ.
Ngày 1/4/1971, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Nông nghiệp Trung ương trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Sau đó, vào năm 1976, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương được đổi tên lại thành Bộ Nông nghiệp. Đồng thời, Bộ Hải sản, Bộ Lâm nghiệp được thành lập trên cơ sở của Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Lâm nghiệp.
Tháng 1/1981, Bộ Lương thực và Thực phẩm được tách thành hai tổ chức là: Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp Thực phẩm. Tháng 7 cùng năm, Bộ Thủy sản được thành lập trên cơ sở của Bộ Hải sản.
Ngày 16/2/1987, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở sáp nhập 3 tổ chức gồm: Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp thực phẩm.
Từ ngày 3/10-28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX, Nghị định về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được thông qua, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Bộ được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi. Tháng 8/2007, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII, Quốc hội ra Nghị quyết sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ NN-PTNT.
Ngày 18/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14/11 hàng năm là "Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam", nhằm tôn vinh và khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước.
Trải qua lịch sử 77 năm hình thành và phát triển, dù có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn hành động với tinh thần đoàn kết nhất trí, vượt qua nhiều gian nan thử thách, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, địch họa; đồng thời có những bước trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt, đạt được những thành tựu nổi bật trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ năm 1945 - 1975, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã chiến thắng nạn đói, tham gia hiệu quả công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành sứ mệnh của "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".
Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ruộng đất trên cả nước được khai khẩn, canh tác. Phong trào thi đua sản xuất được phát động sâu rộng bằng nhiều hình thức. Nhiều sáng kiến tìm cách quay vụ, tăng vụ giúp nông dân có thêm lương thực, đẩy lùi nạn đói. Sản lượng vụ mùa năm 1946 ở Bắc bộ đạt gấp đôi năm 1945.
Trong những năm tháng khôi phục đất nước sau chiến tranh, giai đoạn từ 1975- 1985, ngành Nông nghiệp tập trung phát triển sản xuất, với những nhân tố Đổi mới được hình thành từ cơ sở tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm được đưa vào các HTX nông nghiệp.
Giai đoạn 5 năm, từ 1981-1985, sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 4,9%/năm ; sản xuất lương thực bình quân đạt 17 triệu tấn/năm so với mức tương ứng là 1,9%/năm và 13,4 triệu tấn/năm trong các năm 1976-1980.
Trong giai đoạn Đổi mới, từ năm 1986 đến nay, ruộng đất được khoán và giao cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài từ năm 1993, với các quyền ngày càng lớn hơn. Thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp được tự do hóa, từng bước kết nối, liên thông với quốc tế. Các HTX chuyển hẳn sang làm dịch vụ cho xã viên. Nhiều nông lâm trường thực hiện khoán lâu dài đất đai, vườn cây cho gia đình công nhân.
Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực và hiện trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới. Nhiều ngành sản xuất nông lâm thủy sản định hướng xuất khẩu và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 486,2 triệu USD. Sau 35 năm, xuất khẩu toàn ngành đạt 48,7 tỉ USD, tăng gấp 100 lần. Việt Nam có một chỗ đứng vững chắc trong tốp 20 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước ta có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo; cao su.