Tất cả có được là nhờ con cá
Hồ Đồng Sương có diện tích 203ha, dung tích 10 triệu m3 nước, một mặt giáp núi, một mặt giáp đồng bằng, không chỉ làm nhiệm vụ tưới cho gần 1.000ha lúa của huyện Chương Mỹ mà còn là nguồn sinh thủy cho nghề nuôi trồng thủy sản. Men theo dòng nước mát ấy, tôi vượt con đê mướt mát xanh màu cỏ để thăm các làng mạc bên dưới. Mắt tôi đã bị hút vào một góc rất sinh động của một xóm, trên bờ là các luống hoa, cây cảnh được chăm tỉa cầu kỳ, dưới là hệ thống ao nước trong xanh soi bóng những biệt thự tân kỳ.
Hết ngắm hệ thống vườn, ao được thiết kế rất bài bản ấy rồi ngắm cơ ngơi nhà cửa, ô tô, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tất cả có được đều nhờ cả vào con cá. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm làm nghề nuôi trồng thủy sản đã được gần 20 năm. Trước đây, họ thả các đối tượng cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi trên diện tích 1ha ao của nhà. Nhờ lợi thế nguồn nước sạch chảy từ hồ Đồng Sương nên cá nuôi ít bị dịch bệnh, năng suất khá, mỗi năm thu 600 triệu đồng, lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng.
Nhưng năm nay họ đã quyết định tham gia vào mô hình nuôi cá chim trắng của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vì muốn học hỏi thêm về đối tượng cá mới, công nghệ nuôi mới này. Sau khi được cán bộ tập huấn họ thấy cá chim cũng không quá xa lạ so với các loài cá khác nên càng quyết tâm thực hiện mô hình.
Cá chim trắng rất khỏe nên qua 3 tháng nuôi tỷ lệ hao hụt rất thấp, chỉ cỡ 3 - 4% so với 10% của những loại cá truyền thống. Ngoài ra cá chim trắng còn có đặc tính phàm ăn, tốc độ tăng trưởng nhanh, nuôi 100% bằng thức ăn công nghiệp nên khá nhàn. Để giữ cho môi trường nước luôn được sạch, giúp cho cá khỏe mạnh, đỡ bệnh, chế phẩm sinh học được rải xuống ao theo định kỳ.
Sát ao nhà chị Thắm là ao người hàng xóm Đỗ Thanh Bình với diện tích hơn 1ha cũng được kiến thiết rất đẹp, hài hòa với khu vườn xanh mát và ngôi nhà nhỏ xinh xắn trên bờ. Trước đây anh chỉ nuôi theo kiểu truyền thống, mỗi năm thu hơn 10 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Nhưng năm nay anh quyết định tham gia vào mô hình khuyến nông nuôi cá chim trắng cùng với chị Thắm.
Vừa dùng vó kéo thử mấy con cá dưới ao lên cho tôi xem, anh nhận xét chúng có tốc độ tăng trưởng khá, khỏe mạnh, phù hợp với môi trường nước. Theo anh, tuy là đối tượng nuôi mới nhưng đầu ra cho con cá chim trắng cũng không phải là khó bởi trong vùng đã có những thương lái đặt vấn đề thu mua.
Anh Nguyễn Văn Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây khi còn là Trạm khuyến nông đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội để thực hiện các mô hình như nuôi gà, nuôi lợn và nuôi cá ghép. Sau sáp nhập ba Trạm Khuyến nông, Bảo vệ Thực vật, Thú y thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thì đơn vị vẫn duy trì các mô hình khuyến nông ấy.
Cái khác của năm nay là không nuôi cá ghép bằng những giống truyền thống nữa mà nuôi chuyên một loại cá chim trắng. Bởi cá chim trắng chi phí thức ăn tốn kém, đầu tư ban đầu nhiều nên khi tham gia mô hình ngoài yêu cầu diện tích mặt nước mỗi hộ từ 1ha trở lên, còn đòi hỏi họ phải có cơ sở vật chất, có vốn đối ứng. Hai hộ chị Thắm và anh Bình hoàn toàn đáp ứng những tiêu chí ấy. Với số vốn đối ứng 50% giống, 50% vật tư, thức ăn chăn nuôi, ước tính mỗi gia đình tham gia vào mô hình cần phải bỏ ra khoảng hơn 100 triệu đồng.
Tháng 2, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tiến hành chọn điểm, chọn hộ nuôi phù hợp rồi cấp giống vào tháng 4, dự kiến tháng 12 sẽ kết thúc mô hình. Sau khi nghiệm thu, tùy thuộc vào chủ nuôi, nếu đạt biểu cân nặng và được giá thì sẽ thu bán, còn nếu không họ có thể tiếp tục nuôi thêm một thời gian cho đạt biểu cân to hơn hoặc đạt giá mong muốn để có hiệu quả kinh tế.
“Tiềm năng thủy sản của huyện Chương Mỹ là rất lớn với diện tích nuôi trồng tới 3.025ha trong đó 733ha nuôi thâm canh, 2.266 nuôi dạng bán thâm canh. Mô hình nuôi cá chim trắng này sẽ là nơi trình diễn kỹ thuật, tham quan học tập cho những người nuôi thủy sản trong vùng, nếu thấy hiệu quả họ sẽ về đầu tư và nhân rộng”…
Chuyển hướng nuôi sang thâm canh, an toàn
Hà Nội hiện có tổng diện tích mặt nước 31.000ha trong đó ước tính khoảng 24.000ha đã đưa vào nuôi trồng thủy sản, với năng suất bình quân 5 tấn/ha, thâm canh đạt 10 - 12 tấn/ha, tạo ra sản lượng đạt 121.413 tấn. Thời gian gần đây thành phố chủ trương chuyển hướng cho bà con sang nuôi thủy sản an toàn, VietGAP, hữu cơ, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2024, theo kế hoạch được giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ thực hiện 18 mô hình khuyến nông trong đó có 4 mô hình khuyến nông thủy sản. Cụ thể là mô hình nuôi thuỷ sản theo hướng VietGAP với quy mô 25ha, thả 225.000 con cá chép V1 và 150.000 con cá rô phi.
Áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, ngoài các điều kiện tự nhiên như môi trường ao nuôi, nguồn nước, các hộ còn được hướng dẫn lập sổ ghi chép nhật ký sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc cá để có đủ điều kiện đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị. Hiện đàn cá khoẻ mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều. Cá chép đạt trọng lượng từ 380 - 400 gram/con, cá rô phi đạt từ 370 - 390 gram/con.
Mô hình nuôi cá - lúa với quy mô 15ha, thả 90.000 con cá chép V1 và 135.000 con cá trắm cỏ. Trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại lợi nhuận kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, giúp giảm lượng phân bón, giảm công làm cỏ. Hiện đàn cá khỏe mạnh, đều con, sinh trưởng phát triển tốt, cá trắm cỏ đạt trọng lượng từ 520 - 540 gram/con, cá chép đạt trọng lượng từ 250 - 270 gram/con.
Mô hình nuôi thủy đặc sản với quy mô 4ha, thả 120.000 con cá chim trắng nhằm mục tiêu bổ sung thêm đối tượng nuôi thủy sản hiệu quả trong cơ cấu giống thủy sản của thành phố. Hiện đàn cá khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, đồng đều, đạt trọng lượng từ 370 - 400 gram/con.
Mô hình nuôi cá lồng với quy mô 1.000m3, thả 20.000 con lăng nha. Nuôi cá lồng bè tận dụng được diện tích mặt nước lớn của sông, hồ chứa để sản xuất thủy sản. Đồng thời, sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong nguồn nước, kết hợp với việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, hạn chế được việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng. Hiện đàn cá khỏe mạnh, phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 580 - 610 gram/con.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tổ chức 187 lớp tập huấn, đào tạo; 30 cuộc hội thảo, diễn đàn; tham gia 2 triển lãm, hội chợ nông nghiệp; tổ chức 1 festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề lần III năm 2024 và hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024”; xuất bản 54.000 bản các loại ấn phẩm tuyên truyền ngành nông nghiệp; thực hiện hoạt động tuyên truyền ngành thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến thành phố.