| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở chuyện con cá luồn ruộng lúa

Thứ Năm 25/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km nhưng xã Minh Cường như một thế giới khác với những hồ ao nối tiếp đồng lúa, là thủ phủ lúa cá của huyện Thường Tín.

Mô hình cá lúa ở Minh Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình cá lúa ở Minh Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở vùng thủ phủ cá lúa Minh Cường

Khẽ với tay khởi động hệ thống tạo oxy, những cánh quạt quay tròn, tạo thành những vòng bọt sóng trắng xóa trên mặt nước, anh Nguyễn Tiến Thành- trưởng nhóm 4 hộ tham gia mô hình lúa cá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Minh Cường là vùng chiêm trũng nên từ năm 1995 bà con đã bắt đầu tự phát chuyển đổi sang nuôi cá, cao điểm nhất trong khoảng 5 năm nay đã chuyển đổi được hơn 300 mẫu, trong đó riêng thôn Đống Chanh được khoảng 150 mẫu.

90% diện tích thủy sản ở Minh Cường được nuôi theo dạng lúa cá bởi đạt hiệu quả  kép: Khi lúa chín không cần gặt mà để lại làm thức ăn cho cá, giúp cá có chất lượng thịt tốt, giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp. Ngược lại, cách nuôi cá trên ruộng hạn chế sâu bệnh cho vụ lúa của năm sau nên đã nhiều năm nay bà con không phải sờ đến cái bình phun thuốc sâu.

Họ thường gieo sạ giống nếp 97 hoặc giống lúa lai được chừng 40-45 ngày, khi lúa đẻ nhánh thì dâng nước lên, “luồn cá” vào. Giống cá thả trong ruộng chủ yếu là trắm và chép. Trắm sống ở tầng nổi ăn cây lúa, cỏ dại, chép sống ở tầng đáy, dọn lá úa, cày ủi dưới bùn để bắt giun, tôm, tép. Mực nước được dâng cao dần theo chiều cao của cây lúa.

“Kinh nghiệm của tôi là khi lúa uốn câu, chín ¾ thì dâng nước cách cổ bông cỡ 10 cm để giữ cây không bị đổ, không gây thối nước. Nếu để thối nước cá sẽ không ăn nữa. Nuôi cá cần nhất là giữ được ổn định màu nước nên cứ 1 tuần tôi lại đánh men 1 lần (dùng chế phẩm sinh học để xử lý nước-PV) và sát khuẩn 1 lần. Khi thả cá nên theo tỷ lệ trắm 2/3, chép 1/3, nếu có thể kết hợp thêm một ít trắm đen vào để cho chúng ăn ốc bươu vàng, vụ lúa năm sau sẽ không cần phải quan tâm đến ốc bươu vàng nữa”, anh Thành chia sẻ.

Kiểm tra tốc độ lớn của cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra tốc độ lớn của cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đó là kiểu nuôi cá lúa dân dã nhưng đây là vụ đầu tiên nhóm của anh nuôi theo mô hình cá lúa của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội với tổng diện tích 7 ha. Mới xuống giống được 2 tháng nhưng tốc độ sinh trưởng khá, trung bình cá trắm được 300-400 gram, cá chép được khoảng 150 gram. Thức ăn của chúng 70% là cám công nghiệp, 30% là những thứ có sẵn trên ruộng đồng.

Anh Nguyễn Trọng Khiêm, một hộ nuôi cá lúa khác trong nhóm cho biết, trước nuôi cá lúa kiểu dân dã nên mật độ thấp chỉ bằng cỡ ½ so với mô hình, lại không cho ăn nhiều cám công nghiệp nên cá không lớn nhanh nhưng chất lượng rất tốt. Tuy nhiên thương lái vẫn chỉ mua theo biểu cân nặng, không phân biệt chất lượng. Đầu năm thả, cuối năm thu, trắm trung bình đạt 2 kg, chép đạt 800 gram, chưa đủ biểu để làm cá thương phẩm nên lại phải bán thành cá giống cho các hộ khác nuôi tiếp với giá chỉ 40.000-45.000đ/kg. Người buôn thích lãi nhiều, người tiêu dùng lại thích rẻ không quan tâm đến xuất xứ hàng hóa thành ra không khuyến khích được việc nâng cao chất lượng của những sản phẩm như cá lúa.

Còn anh Lê Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thường Tín cho biết huyện đã thực hiện mô hình cá lúa được 3 năm nay. Nó tỏ ra phù hợp với những vùng chiêm trũng, sản xuất lúa không hiệu quả, nhất là trong vụ mùa sâu bệnh nhiều, ngập lụt lắm nên dân dần bỏ ruộng. Trong mô hình cây lúa gần như không phải bón phân, con cá không phải cho ăn nhiều cám công nghiệp mà lại được cho ăn thêm thóc ủ, ngô ngâm nên chất lượng thịt rất khác biệt, tuy nhiên giá bán chưa được tương xứng. Bất cập nữa là chưa có liên kết theo chuỗi, người dân vẫn phải bán trên thị trường tự do, theo biểu cân nặng như cá nuôi thông thường, bị thương lái ép giá.

Cho cá ăn bổ sung bằng thức ăn công nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cho cá ăn bổ sung bằng thức ăn công nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiềm năng lớn về mô hình cá lúa của Thủ đô

Hà Nội có nhiều diện tích rất thuận lợi với việc kết hợp nuôi thủy sản và trồng lúa như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai…Việc nuôi kết hợp cá lúa sẽ khai thác tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, tiêu diệt các địch hại của cây lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất, từ đó tạo thành các vùng sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp nông sản an toàn.

Với những mục đích đó, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện thành công 4 mô hình cá lúa với tổng diện tích 55 ha. Kết quả, cá sinh trưởng phát triển tốt, lợi nhuận thu được 80-90 triệu đồng/ha, cao hơn từ 4 - 5 lần so với cấy lúa truyền thống và cao hơn 20% so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống. Năm 2024, trung tâm triển khai mô hình với quy mô 15 ha tại các xã Đông Yên của huyện Quốc Oai; Xuân Dương, Đỗ Động của huyện Thanh Oai; Minh Cường của huyện Thường Tín với 10 hộ tham gia.

Điểm khác biệt của mô hình nuôi cá lúa năm 2024 là bổ sung thêm đối tượng nuôi (cá trắm cỏ), tăng mật độ thả 1,5 con/m2, thả ghép 60% cá trắm cỏ và 40% cá chép V1. Về cơ sở nuôi phải đáp ứng yêu cầu diện tích từ 1 ha trở lên, thiết kế ruộng nuôi phải có hệ thống mương bao quanh diện tích chiếm tối thiểu 20%, độ sâu mực nước 1,5m, có bổ sung máy đảo nước để tăng cường oxy. Tham gia mô hình các hộ được nhà nước hỗ trợ 50% về con giống, vật tư và đối ứng 50% giống, vật tư, hỗ trợ 100% kinh phí triển khai mô hình như tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, tổng kết đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm.

Chế phẩm vi sinh xử lý nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chế phẩm vi sinh xử lý nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện trung tâm đã cấp cá giống cho các hộ tham gia mô hình và cấp hỗ trợ thức ăn, chế phẩm sinh học trong tháng 7/2024. Đến nay, cá sinh trưởng phát triển tốt, trung bình cá chép đạt: 120-150 gram/con, cá trắm cỏ đạt: 350-400 gram/con. Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình, kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi chăm sóc, phòng bệnh cho cá theo đúng quy trình, định kỳ xử lý nước đảm bảo điều kiện môi trường nuôi ổn định, hạn chế dịch bệnh.

Thời gian đầu cho ăn thức ăn độ đạm cao song song với tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, sẵn có trong ruộng để giảm chi phí, đồng thời, bổ sung dược liệu (tỏi xay trộn thức ăn) để phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó hướng dẫn các hộ mua đối ứng thức ăn, chế phẩm sinh học chất lượng nhằm đảm bảo mô hình triển khai đạt kết quả cao. Dự kiến đến tháng 12/2024 cho thu hoạch, cá chép đạt 0,8 kg/con, cá trắm cỏ đạt 2,2 kg/con trở lên.

Nhận thấy hiệu quả kép của chuyện nuôi cá kết hợp trồng lúa, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng kháng sinh để tạo ra nông sản an toàn và bước đầu sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường để nâng cao giá trị kinh tế.

Theo quy định thì kích cỡ giống cá thả quá nhỏ, nuôi đến hết thời gian của mô hình cũng chưa đạt kích cỡ thương phẩm. Các hộ nuôi có muốn kích cỡ cá giống to hơn, sẵn sàng đối ứng thêm nhưng vì quy định của nhà nước như thế cũng đành chịu. Thêm vào đó, tiếng là mô hình được 1 năm nhưng do thủ tục, giấy tờ, khi người dân nhận được cá giống và nuôi đến khi nghiệm thu cũng chỉ được 7-8 tháng.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.