| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui từ cái 'bắt tay' của Quỹ tín dụng nhân dân cùng Co-opBank

Thứ Ba 22/08/2023 , 11:01 (GMT+7)

Việc kết nối giữa các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã mang đến những nét mới cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Việc tuyên truyền vận động nhân dân mở tài khoản thanh toán và thẻ cũng như sử dụng Ngân hàng số là một hành trình vất vả và bền bỉ (Ảnh minh họa).

Việc tuyên truyền vận động nhân dân mở tài khoản thanh toán và thẻ cũng như sử dụng Ngân hàng số là một hành trình vất vả và bền bỉ (Ảnh minh họa).

Quỹ tín dụng nhân dân "bắt tay" cùng Co-opBank

Từ tháng 7/2023, lãnh đạo Công ty may Hợp Tiến cùng cán bộ kế toán đã không còn vướng bận những ngày đầu tháng lo tới lui ngân hàng đổi tiền mặt để trả lương cho công nhân. Chỉ với một thao tác chuyển tiền từ tài khoản của công ty sang tài khoản thanh toán của Co-opBank, ngân hàng sẽ thay công ty thực hiện thanh toán lương qua tàì khoản cho các công nhân nhanh chóng. Ông Nguyễn Công Quyền - Giám đốc Công ty may Hợp Tiến cho biết: “Thực hiện trả lương qua tài khoản mang đến nhiều tiện lợi cho công ty, như tiết giảm thời gian nhân lực vào công việc này, tránh nhầm lẫn và an toàn”.

Công nhân tại Công ty may Hợp Tiến rất hào hứng với điều này. Cùng với việc sử dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking, từ nay họ có thể thực hiện các dịch vụ mua sắm trên mạng 24/7, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng trên địa bàn. Đây là kết quả của việc QTDND Tây Thành, huyện Yên Thành liên kết mở tài khoản, ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động với Co-opBank cho thành viên và người dân trên địa bàn.

Ông Thái Đình Cầu - Giám đốc QTDND Tây Thành cho biết, ngay từ khi thành lập, Quỹ đã phối hợp chặt chẽ với Co-opBank chi nhánh Nghệ An để làm dịch vụ chuyển tiền, tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt sự liên kết này vừa đảm bảo lợi ích cho người dân, vừa tăng thêm vị thế của Quỹ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch vụ chuyển tiền tại QTDND Tây Thành đạt doanh số là 300 tỷ đồng (bình quân 50 tỷ đồng/tháng). Tính đến hết tháng 7, QTDND Tây Thành cũng đã liên kết mở tài khoản, ứng dụng Ngân hàng số trên điện thoại di động với Co-opBank và đã có 1.041 khách hàng và thành viên với số dư tiền gửi trên tài khoản đạt hơn 2,47 tỷ đồng.

Còn với QTDND Nam Trung, huyện Nam Đàn, bên cạnh việc phát triển các dịch vụ thanh toán và Ngân hàng số thì trong tháng 6 và tháng 7, QTDND Nam Trung đã liên kết cùng Co-opBank mở tài khoản thanh toán cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn 3 xã mà quỹ đang hoạt động, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội địa phương.

Chủ tịch HĐQT QTDND Nam Trung Lê Văn Hường cho biết, đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu là người có công, người già, nên việc triển khai mở tài khoản trả trợ cấp lúc đầu gặp không ít khó khăn khi họ e ngại không biết sử dụng thẻ, lo ngại tính bảo mật… Chưa kể việc đi lại của những người già yếu là rất khó khăn, bất tiện. Chính vì vậy, để thực hiện chủ trương trả trợ cấp cho các đối tượng này theo chỉ đạo của tỉnh, QTDND Nam Trung đã nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền. Đồng thời cử cán bộ đến từng xóm, từng nhà để triển khai, hỗ trợ người dân mở tài khoản và thẻ để nhận trợ cấp. Với những người dân có nhu cầu sử dụng Mobile Banking, Quỹ cũng hướng dẫn mở để tiện dụng trong thanh toán hàng hóa và chuyền tiền.

Chi trả bảo trợ xã hội bằng dịch vụ trả lương qua thẻ

Hiệu quả việc trả trợ cấp qua thẻ dần rõ trong đời sống khiến người dân tự truyền nhau về lợi ích và tính an toàn của dịch vụ, nên số người sử dụng ngày càng tăng. Đến nay đã có hơn 80% người nhận bảo trợ xã hội đã sử dụng dịch vụ trả lương qua thẻ.

Việc tuyên truyền vận động nhân dân mở tài khoản thanh toán và thẻ cũng như sử dụng Ngân hàng số là một hành trình vất vả và bền bỉ, thậm chí là một “cuộc cách mạng về tư duy và nhận thức”, bởi người dân nơi đây xưa nay chỉ quen dùng tiền mặt và chưa thông hiểu về công nghệ.

Nhập chú thích ảnh

Nhập chú thích ảnh

Bản thân một số cán bộ QTDND lúc đầu cũng còn chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Tuy nhiên, khi đã hiểu đây là một dịch vụ hỗ trợ cho thành viên của chính mình và bà con trên địa bàn, cán bộ Quỹ không quản ngại khó khăn tiếp cận, hướng dẫn từng thành viên, người dân, doanh nghiệp về các tiện ích của dịch vụ.

“Điều đó đã hỗ trợ các thành viên gắn bó với Quỹ, đảm bảo lợi ích cho họ, cho người dân, đồng thời cũng tăng thêm vị thế của Quỹ. Qua việc triển khai các dịch vụ thanh toán, nhiều người dân biết và tin tưởng hơn với QTDND và trở thành thành viên của Quỹ”, Chủ tịch Lê Văn Hường chia sẻ thêm.

Cũng vì thế, nhiều QTDND đã và đang coi việc triển khai các dịch vụ liên kết cùng Co-opBank là một chỉ tiêu cộng trong việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, nhân viên. Như QTDND Nam Trung, chỉ tiêu phát hành thẻ được giao đến từng cán bộ nhân viên theo kế hoạch năm. Các QTDND khác cũng cho hay, cũng nhờ việc phát triển các dịch vụ này, QTDND có thêm nhiều thành viên và khách hàng mới, nâng cao tính gắn kết với các thành viên.

Ông Trần Ngọc Thái - Giám đốc Co-opBank chi nhánh Nghệ An nhấn mạnh, nhìn nhận rõ xu hướng của thời đại công nghệ số, chi nhánh đã chú trọng mở rộng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho các QTDND.

Chính vì vậy, ngay từ tháng 3/2023, Co-opBank chi nhánh Nghệ An đã triển khai thành lập tổ Ngân hàng số với 4 cán bộ tín dụng, 2 kế toán, động viên các quỹ triển khai các dịch vụ, tăng tính liên kết hệ thống. Co-opBank cũng đã đưa tên Quỹ liên kết trên mã QR thanh toán, thẻ ATM. Tổ Ngân hàng số của chi nhánh cũng lên kế hoạch chi tiết đào tạo cho các Quỹ, hỗ trợ Quỹ trong bàn giao thẻ, chi trả tiền mặt. Ban lãnh đạo Co-opBank chi nhánh Nghệ An cũng dành một phần kinh phí cho các QTDND triển khai dịch vụ tốt bên cạnh phần chia sẻ phí, từ đó tạo không khí lan tỏa, thi đua triển khai nhiệm vụ trên địa bàn.

Ông Trần Ngọc Thái cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác điều hòa vốn cho các QTDND, Co-opBank chi nhánh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại như cung cấp thẻ chip Co-opBank Napas, Co-opBank Mobile Banking… hướng tới dịch vụ ngân hàng số đến hệ thống QTDND.

Thực hiện chia sẻ doanh thu và trả phí tư vấn cho các QTDND khi tham gia triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của Co-opBank tới các thành viên, tăng cường mối liên kết giữa Co-opBank và QTDND, đồng thời gia tăng nguồn thu cho QTDND. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thương hiệu, vai trò hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND, giúp các QTDND ngày càng khẳng định vai trò cầu nối vốn và dịch vụ thanh toán thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tính đến 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 56/59 QTDND tham gia chuyển tiền CF-eBank của Co-opBank, chuyển tiền nhanh 24/7; 50/59 QTDND triển khai chi lương qua tài khoản của cán bộ nhân viên. Số lượng tài khoản CASA đã mở là 21.794 tài khoản, trong đó số tài khoản có số dư là 6.267 tài khoản; Các QTDND đã triển khai mở tài khoản trên diện rộng cho các đối tượng khách hàng khác nhau, như tài khoản học sinh GenZ là 215 tài khoản; tài khoản hưu trí là 276 tài khoản.

Xem thêm
Vải chín sớm Phương Nam mất mùa, giá cao

QUẢNG NINH Theo các hộ dân trồng vải chín sớm ở phường Phương Nam (TP Uông Bí), năm nay cây vải cho năng suất thấp hơn mọi năm nhưng giá bán cao hơn khoảng 25 - 30%.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Đi tìm 'bài thuốc' chữa lành 'điểm đau' của khách hàng trong hành trình sở hữu nhà

Thị trường bất động sản đang xôn xao trước thông tin Vinhomes chuẩn bị ra mắt mô hình phân phối O2O (online to offline - trực tuyến tới trực tiếp) hoàn thiện nhất từ trước đến nay...