Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 1252 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/9/2019, phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền (gọi tắt là Quyết định 1252) sau 5 năm triển khai.
Trong bối cảnh Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) lần thứ 4 dự kiến vào tháng 7/2025, Hội nghị là dịp Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các nội dung phục vụ cho phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định 1252, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Công ước tại chu kỳ tiếp theo.
Ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã có sự chủ động, tận dụng các nguồn lực sẵn có, phối hợp để triển khai nhiệm vụ thông qua việc ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền. Bên cạnh đó, bổ sung lồng ghép nhiệm vụ vào các kế hoạch, đề án, chiến lược quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiều lĩnh vực liên quan về quyền con người, quyền công dân khác.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, việc triển khai Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân trên thực tế, cũng là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ khẳng định, là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc thực thi các nghĩa vụ theo Công ước và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ nhất qua việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 9/2024 đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR), ghi nhận nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị. Điều này thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, việc tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Chỉ đạo Nhân quyền nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng với cương vị đơn vị chủ trì việc thực thi Công ước và xây dựng Báo cáo quốc gia để bảo vệ trước Ủy ban Nhân quyền trong năm 2025.