Chủ động tích nước, thích nghi với mặn
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, năm nay hạn, mặn mặc dù không khốc liệt nhưng vẫn tiếp diễn ở ĐBSCL. Hiện nay, tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở ĐBSCL, nông dân đã áp dụng nhiều giải pháp sản xuất thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn khá hiệu quả.
Tiêu biểu nhất là tích trữ nước ngọt thông qua các giải pháp nạo vét kênh mương nội đồng, dùng bạt nilông trải dưới kênh mương để chứa nước ngọt và đào ao chứa nước ngọt trong vườn.
Bên cạnh đó, các nhà vườn còn hạn chế bốc thoát hơi nước bằng giải pháp tủ gốc cây với các nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, lá dừa, cỏ khô … hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Nông dân cũng đã chú ý sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới.
Tại vùng chuyên canh sầu riêng Cai Lậy (Tiền Giang), vườn sầu riêng của bà con không bị ảnh hưởng của nước mặn. Từ bài học kinh nghiệm mùa khô 2020, Tiền Giang có gần 5.000 ha cây sầu riêng bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Năm nay, nông dân vùng canh tác chuyên canh sầu riêng Cai Lậy đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp trong ứng phó với xâm nhập mặn.
Tiêu biểu như ở xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy), bà con đã chủ động hơn trong công tác ứng phó như mua sắm trang bị thiết bị đo độ mặn, nạo vét mương vườn, khơi thông dòng chảy và trữ nước ngọt tại vườn… Trước mùa khô, nông dân trên địa bàn hai ấp Xuân Sắc và Xuân Kiển đã đóng góp hơn 100 triệu đồng để nạo vét hai tuyến kênh, dự trữ nước tưới cho vườn cây ăn trái.
Quyết tâm không bị động trước xâm nhập mặn, anh Lưu Văn Phúc ở ấp Hội Tín (xã Hội Xuân) đang canh tác 1ha vườn chuyên canh sầu riêng đã chuẩn bị nhiều giải pháp ứng phó rất hiệu quả. Đầu mùa khô này, anh Phúc đã đầu tư hơn 100 triệu đồng thuê cơ giới đào ao, mua mũ bạt chuyên dụng lót đáy ao dự trữ nước. Tại các chân vườn, anh Phúc còn trồng cỏ giữ ẩm cho gốc, tiết kiệm nước tưới.
Anh Phúc cho hay: Năm ngoái, vườn cây của anh bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt hạn, mặn. Sau một thời gian tập trung chăm sóc, vườn cây đã được phục hồi và ra đọt non. Với diện tích ao trong vườn nhà hiện có, anh có thể trữ tối đa hơn 1.600 m3 nước, đảm bảo cung cấp nước tưới cho vườn cây trong khoảng hai tháng.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Rút kinh nghiệm ứng phó hạn, mặn năm 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang đã dự báo và lên kế hoạch xây dựng kế hoạch từ rất sớm. Ngay từ đầu mùa khô, tình hình diễn biến mặn khá phức tạp và bất thường đã tác động trực tiếp đến gần 37.000 ha vườn cây ăn trái, cùng hàng chục nghìn hộ dân ở khu vực phía đông của tỉnh.
Để bảo vệ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân và vườn cây ăn trái trên địa bàn, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đắp các đập ở khu vực cù lao Tân Phong, vùng chuyên canh sầu riêng thuộc xã Ngũ Hiệp và triển khai khoan 14 giếng dự phòng trên địa bàn huyện Cai Lậy. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã củng cố lại toàn bộ hệ thống đê bao.
Còn tại Bến Tre, nông dân tỉnh này đã xây hơn 500 hồ nước ngọt nhân tạo để trữ nước. Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để chủ động ứng phó với mùa khô và xâm nhập mặn năm nay, nhân dân trong tỉnh đã chủ động dự trữ nước sinh hoạt cũng như nước ngọt phục vụ sản xuất.
Qua thống kê, nông dân trong tỉnh đã đào ao, lót bạt tạo thành hồ dự trữ nước ngọt với hơn 500 cái. Đến nay, những mô hình trên đang phát huy hiệu quả tích cực.
Tại huyện Mỏ Cày Bắc, rút kinh nghiệm đợt mặn kéo dài mùa khô trước, bà con nông dân đã thực hiền nhiều giải pháp chống mặn như mua bạt trữ nước, túi nước khổng lồ chứa nước sinh hoạt, ngăn kênh, rạch tạo thành các đập trữ nước khổng lồ…Đến nay, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của bà con nơi đây vẫn đảm bảo đầy đủ.
Ông Châu Văn Quang ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: Năm nay, ông đã đầu tư hơn 17 triệu đồng để mua bạt trữ nước tưới cho 7 công bưởi da xanh. Bên cạnh đó, ông Quang thường xuyên theo dõi thông tin hạn, mặn từ ngành chức năng thông báo.
Khi độ mặn 1‰ ông tranh thủ tưới ẩm vào đất chứ không tưới lên cây. Ông Quang cho biết, cây chỉ chững lại qua hạn mặn có thể hồi phục được.
Đề phòng thiếu nước 40.000 ha cây ăn trái
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), xâm nhập mặn đang tăng cao tại các cửa sông chính vùng ÐBSCL và duy trì đến hết tháng 3/2021. Cụ thể, tại vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn tăng dần theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l, tương đương tháng 2/2021 và đầu tháng 3/2021. Mặn xâm nhập sâu ở mức từ 45-55km.
Riêng khu vực sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập có khả năng ở mức 95-100 km từ nay đến 31/3, sâu hơn đợt mặn xâm nhập vào tháng 2/2021 từ 23-25 km. Khu vực sông Cái Lớn, mặn xâm nhập ở mức 55-60km, sâu hơn tháng 2/2021 từ 6-11 km. Sang đầu và giữa tháng 4/2021, dự báo ở vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn bắt đầu giảm dần, phạm vi xâm nhập cách biển từ 30-45km, có nước ngọt xuất hiện khi triều thấp, chân triều.
Tại sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức cao, tương đương như đợt xâm nhập mặn trong tháng 3/2021. Tuy nhiên dự báo tới đến cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn sẽ bắt đầu giảm.
Ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, tại các cửa sông cách từ 25-30 km trở vào có thể có nước ngọt, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng.
Với mức độ xâm nhập mặn như dự báo trong tháng 3, tháng 4, các địa phương ven biển trong vùng ÐBSCL cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng, đề phòng khả năng thiếu nước cho khoảng 40.000 ha vườn cây ăn trái.
Trong đó, tỉnh Tiền Giang khoảng 19.000 ha, Bến Tre 15.000 ha, Vĩnh Long 1.800 ha, Sóc Trăng 3.400 ha và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh... Các vùng canh tác lúa đông xuân 2020 - 2021 đã thu hoạch cũng cần lấy nước để tiến hành rửa mặn, chuẩn bị cho gieo trồng vụ hè thu 2021 khi có nguồn nước ngọt về ổn định.
Người dân ý thức cao trong ứng phó hạn, mặn
Bên cạnh, giải pháp trữ nước ngọt khá hiệu quả, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo: Bà con nên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất giữ ẩm tốt, hạn chế bốc hơi nước.
Khi vườn cây bị hạn, mặn, cần bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột. Khi hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn. Đồng thờ, bón phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây.
Song song đó, thực hiện cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non để hạn chế thoát hơi nước... Bà con cũng cần chủ động đo nồng độ mặn, chỉ lấy nước tưới khi nồng độ cho phép.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực của cả nước, chiếm khoảng 58% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền Nam.
Tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2020 - 2021 có khả năng tương đương mùa khô 2015 - 2016 với phạm vi ảnh hưởng đến 8 tỉnh ven biển. Do vậy, các địa phương cần có bước chủ động chuẩn bị phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả trong thời gian tới thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúc kết thực tiễn từ kinh nghiệm ứng phó, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô năm nay.
Theo ông Tùng, mùa khô 2020-2021 dù được dự báo khắc nghiệt, dù có những diễn biến bất thường từ nguồn nước thượng nguồn ngay thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng đến nay nhìn chung sản xuất vẫn được đảm bảo, chưa xẩy ra những thiệt hại đáng kể.
Đặc biệt, tín hiệu vui là việc tiếp cận các nguồn thông tin, tiếp cận thông tin cảnh báo về hạn, mặn của người dân từ các cơ quan truyền thông đại chúng cũng đã giúp ý thức của người dân trong việc chủ động có các giải pháp ứng phó năm nay đã tốt lên rất nhiều. Đây là điều có thể hi vọng sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL sẽ giảm thiểu được thiệt hại trong mùa khô năm nay.