Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng có những phân tích về vai trò của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19.
Hãy đón lõng thời điểm hết dịch bằng nông nghiệp
Thưa ông, qua đợt dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều nhà khoa học đánh giá, trước sự lao đao đao của những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp, dịch vụ, du lịch thì vai trò trụ đỡ của nông nghiệp càng thể hiện rõ. Bằng chứng là Việt Nam vẫn xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn gần như tê liệt. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay?
Như chúng ta thấy, dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu rất nhanh, trở thành một yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thậm chí có nhiều quốc gia dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 1%. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Việt Nam là một trong 3 nước chịu tác động mạnh nhất.
Lý do thứ nhất, dịch cúm bắt đầu từ Trung Quốc, nơi chiếm tới 15% xuất khẩu và 30% nhập khẩu của Việt Nam. Phần lớn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị... Vì vậy nó đánh thẳng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp nhẹ, công nghiệp hạ nguồn.
Đến bây giờ, phần lớn các nhà máy sản xuất công nghiệp hạ nguồn như dệt may, giày da đều cho rằng họ không thể chịu đựng được nữa. Những con số về tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể, những con số về thiệt hại đã được tổng hợp rõ rồi.
Ảnh hưởng thứ hai là khu vực dịch vụ. Đây là lĩnh vực ngay từ đầu Tổng cục Du lịch xác định có thể thiệt hại từ 5,7 đến 7,7 tỷ USD trong vòng 3 tháng đầu năm.
Khu vực thứ ba chịu tác động nghiêm trọng bởi cả yếu tố dịch bệnh và thiên tai là ngành nông nghiệp. Từ hạn hán, xâm nhập mặn cộng với thị trường xuất khẩu chịu tác động của dịch Covid-19 khiến cho ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất mạnh.
Năm ngoái chúng ta lập nên kỳ tích xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt gần 42 tỷ USD, năm nay, các chuyên gia dự báo giảm xuống còn khoảng 37 - 38 tỷ USD, chủ yếu do thị trường Trung Quốc gián đoạn...
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phân tích, chính qua đợt dịch này mới thể hiện rõ, đâu là thế mạnh của Việt Nam.
Trong phiên họp gần đây nhất của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia do Thủ tướng chủ trì, chúng tôi có ý kiến: Phải nhìn nhận “kiểm soát dịch bệnh là biện pháp tăng trưởng kinh tế số một”. Nó không hề mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế mà là điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất là để tránh được những thiệt hại do dịch mang lại. Khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh sẽ giữ được uy tín của quốc gia. Du lịch nước ngoài vẫn sẽ đến. Hàng hóa xuất khẩu không bị ghê sợ vì họ biết chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh.
Chính vì thế chúng tôi coi kiểm soát dịch bệnh là biện pháp số một. Đồng thời cũng phải có những giải pháp để khi dịch bệnh qua đi thị trường có thể bùng nổ trở lại về cung cũng như về cầu.
Chúng ta hi vọng rằng những người Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác hiện nay đang vô cùng bức xúc vì không được mua sắm, tiêu xài, mặc dầu họ có điều kiện, đến khi dịch bệnh qua đi họ quay lại thị trường để ăn, chơi, du lịch… Chúng tôi cũng dự đoán, sẽ có một sự bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh. Từ du lịch, ẩm thực, mua sắm kể cả dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe...
Vấn đề làm thế nào để chúng ta đón lõng được điều đó? Chúng tôi phân tích và khẳng định, dễ đón lõng nhất chính là nông nghiệp. Bởi vì sản xuất nông nghiệp không phải quá tập trung, cho nên ngay trong dịch bệnh nông nghiệp vẫn có thể sản xuất được.
Trong khi công nghiệp bị đình đốn ngay ở khâu sản xuất, du lịch đình đốn đi lại thì nông nghiệp vẫn mùa vụ như thế, hoa trái đến mua vẫn nở. Bằng chứng là chúng ta vẫn đang xuất khẩu tốt trong bối cảnh dịch dã đấy thôi.
Nói cách khách, nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ trong bối cảnh này mà còn là hy vọng lớn để kinh tế Việt Nam bật dậy sau khi hết dịch.
Vì muốn lên vũ trụ hay xuống đáy đại dương thì quan trọng nhất vẫn là cái ăn
Lâu nay những phân tích chỉ ra rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro, hạn chế, có lẽ chính vì vậy mà ngay cả năm ngành nông nghiệp lập kỷ lục như 2019 khi xuất khẩu 41,3 tỷ USD thì đầu tư công cho nông nghiệp chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp đã có những chuyển biến, đặc biệt là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Phải chăng, cách nhìn nhận về vai trò, tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp đã có sự thay đổi, thưa ông ?
Theo tôi, thế mạnh lớn nhất, dài hạn nhất của Việt Nam chính là nông nghiệp. Ông Philip Kotler, một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới đã nói “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”.
Chúng tôi từng nhiều lần tiếp xúc với ông ấy ở Mỹ, Kotler đã nói rất sâu về thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, rằng: Ẩm thực Việt Nam thuộc loại ẩm thực lành mạnh nhất hiện nay của thế giới và phong phú hơn bất kỳ quốc gia nào. Nó rất ít dầu mỡ, rất nhiều rau, các món chế biến dân dã, ít chi phí và rất ngon miệng. Điều đó tạo ra một giá trị đặc thù.
Kotler cũng phân tích, mỗi vùng miền Việt Nam có một thực phẩm đặc trưng, mỗi một dân tộc có một thực phẩm đặc trưng. Mặc dù nguyên liệu chế biến thì giống nhau nhưng cách thức chế biến lại hoàn toàn khác nhau và tạo ra những hương vị hoàn toàn khác nhau.
Không có một quốc gia nào trên thế giới có nhiều món ăn được chế biến phong phú, dân dã như thế cả. Nếu chúng ta biết quảng bá thì điều đó sẽ trở thành thương hiệu thực sự.
Điều quan trọng là thương hiệu đó được tạo ra từ nông nghiệp, từ văn hóa nông thôn. Chúng tôi đã có những nghiên cứu rất sâu và đủ căn cứ khẳng định thế mạnh của Việt Nam tuyệt đối không phải là công nghiệp. Thế mạnh của Việt Nam chính ở nông nghiệp gắn với du lịch và văn hóa.
Ba thứ đó, cái này gắn với cái kia, cái này hỗ trợ cho cái kia. Văn hóa vừa là di sản còn lại của các dân tộc Việt Nam, gắn với nền nông nghiệp nhiệt đới rất đặc thù của Việt Nam, gắn với du lịch trải nghiệm Việt Nam chắc chắn sẽ là thế mạnh.
Nông nghiệp thực sự là thế mạnh của Việt Nam, tôi tin tưởng vững chắc như vậy. Vấn đề quan trọng là cả hệ thống chính trị cần phải có một chiến lược dài hạn, chi tiết, cẩn trọng về nông nghiệp. Trên nền tảng đó duy trì văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng, văn hóa dân gian Việt Nam để chúng ta phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Chúng ta cần phải duy trì văn hóa mang tính đặc tính của dân tộc dài hạn và làm cho nền tảng xã hội văn minh hơn trên nền văn hóa ấy. Khách du lịch vào Việt Nam là máu, nhưng hồng cầu trong máu ấy phải là văn hóa của Việt Nam. Nếu làm được điều đó thì Việt Nam có thể trở thành thương hiệu của thế giới.
TS Lê Xuân Nghĩa
Văn hóa nông thôn, nông dân mang màu sắc nông nghiệp ở chỗ, chúng ta có thể nhìn nhận rất rõ. Các nước phương Tây gần như văn hóa dân gian không còn nữa.
Ví dụ ở Đức, nơi tôi có thời gian học 10 năm, chỉ còn mỗi một bài hát dân gian. Hay như Trung Quốc, văn hóa cung đình lấn át hết văn hóa dân gian.
Hãy nhìn Nhật Bản, họ đang cố tìm mọi cách để phục hồi lại văn hóa dân gian, trở thành chiến lược quốc gia của họ.
Kể cả cách gọi tên của họ cũng đang trở lại kiểu cũ. Một chiến dịch phục hồi lại toàn bộ cho thấy tầm quan trọng của văn hóa dân gian.
Điều may mắn, Việt Nam là một trong những quốc gia mà văn hóa dân gian lấn át văn hóa cung đình. Thậm chí ở miền Bắc văn hóa cung đình gần như biến mất. Nó cho thấy rằng sức sống văn hóa dân gian của người Việt rất mạnh.
Vì sao mạnh như vậy? Chính là vì nó gắn với nông nghiệp. Mà nông nghiệp thì trường tồn. Loài người muốn lên vũ trụ, muốn xuống đáy đại dương thì quan trọng nhất vẫn là có cái ăn.
Chính vì thế cho nên chúng ta còn lưu giữ được phần lớn ẩm thực cổ truyền, phần lớn những văn hóa dân gian gắn liền với nông nghiệp, nông thôn.
Nếu nhìn nhận nông nghiệp là thế mạnh của kinh tế Việt Nam, theo ông, nhìn dài hạn, liệu chúng ta có nên có những sự điều chỉnh, chuyển hướng về cơ cấu kinh tế hay không? Và những “điểm nghẽn” khiễn nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự xứng tầm là gì?
Có thể nói rằng, nếu chúng ta giải quyết được hai vấn đề, sản xuất được nông sản sạch và bảo quản được dài hạn để xuất khẩu được bốn mùa thì chắc chắn nông nghiệp là mũi nhọn thực sự của kinh tế Việt Nam.
Ví dụ quả chanh leo, một loại hoa quả đang xuất khẩu khá hiệu quả sang châu Âu chẳng hạn.
Vấn đề không còn là câu chuyện thị trường nữa mà là là cách thức làm thế nào để duy trì để xuất khẩu được cả bốn mùa. Vải thiều và hàng loạt hoa quả khác như đu đủ, dứa hay những nông sản khác cũng vậy.
Hạn chế lớn nhất của nông nghiệp là mùa vụ, tức là nông sản đến mùa, đến vụ là phải tiêu thụ ngay. Chúng ta phải dùng công nghệ mới để khắc phục hạn chế này, để làm gia tăng giá trị nông sản.
Hiện chúng tôi đang vận động Bộ KH-CN đưa công nghệ cấp đông của Nga, thứ công nghệ đang thống soái ở châu Âu vào Việt Nam. Họ dùng sóng âm để có thể cấp đông nông sản tới 15 tháng vẫn tươi nguyên, chất lượng chỉ cùng lắm cũng chỉ giảm đi một vài %.
Công nghệ này, ngay cả các nước tiên tiến như Hà Lan, Đức cũng đều phải mua thiết bị vì Nga không bán công nghệ. Lợi thế của chúng ta là người Nga rất ưu tiên cho Việt Nam, họ chưa bán bất kỳ thiết bị cấp đông này cho nước nào ở châu Á nhưng đã hứa bán hoặc cho Việt Nam thuê ưu đãi.
Nói thế để thấy rằng, công nghệ sẽ tạo ra những giá trị gia tăng cho nông nghiệp Việt Nam. Chưa nói đến chuyện chế biến phức tạp, chưa nói đến đầu tư công nghệ cao siêu, chỉ thô không thôi cũng đã giải quyết vấn đề nan giải bao lâu nay rồi.
Trên nền tảng công nghệ, chúng ta sẽ từng bước nâng cao thành công nghệ chế biến như chế biến dược phẩm. Máy móc thiết bị phải siêu sạch, công nhân lao động siêu sạch, môi trường nhà máy siêu sạch...
Nếu Việt Nam có được công nghệ cấp đông của Nga sẽ là một lợi thế rất lớn cho nông sản, không chỉ trong vấn đề xuất khẩu mà kể cả tiêu thụ nội địa. Việt Nam có thể tạo ra một lợi thế bán sản phẩm quanh năm. Chúng tôi cũng đang thực hiện dự án cấp đông vải thiều Lục Ngạn.
Theo tính toán, nếu thành công thì một kg vải thiều Lục Ngạn sẽ có lợi nhuận tối thiểu là 1 USD và việc bán loại quả này quanh năm sẽ trở thành hiện thực. Những loại nông sản khác cũng vậy, dưa hấu, thanh long, cam và đặc biệt là thủy sản, chúng ta thích bán lúc nào thì bán, không còn sợ câu chuyện được mùa mất giá hay thương lái chèn ép này nọ nữa.
Thưa ông, câu chuyện về các giải pháp, mặc dù trong nhiều thời điểm, nông nghiệp là cứu cánh của nền kinh tế, tuy nhiên, các chính sách cho nông nghiệp dường như cũng vì thế mà mang tính thời điểm chứ không phải chiến lược lâu dài. Chính sách cho một lĩnh vực trụ đỡ của nền kinh tế chưa thực sự đủ để trở thành thế mạnh thực sự như ông nói. Dưới góc nhìn tổng thể chung, ông phân tích về việc tái cấu trúc như thế nào? Liệu có cần cơ cấu lại nền kinh tế, xác định vai trò cụ thể hơn để có chiến lược đầu tư?
Nếu nói chung chung nông nghiệp là thế mạnh thì không ổn, phải vào cuộc, phải có tầm nhìn dài hạn và một chiến lược cụ thể, phải xuống ruộng thực sự cùng với nông dân. Bộ NN-PTNT nên có chương trình quy hoạch lại thời vụ, tránh những vấn đề thiên tai, hạn hán, hạn mặn…, điều chỉnh thời vụ giống như chúng ta đã điều chỉnh thời vụ lúa để tạo ra một năm vô cùng năng suất như năm nay.
TS Lê Xuân Nghĩa
Chính phủ đã có chương trình tái cơ cấu công bố từ khá lâu, nhưng đi vào cuộc sống rất chậm trễ, thậm chí có thể nói là tắc. Ví dụ như đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước….
Gần như bộ, ngành nào cũng có chương trình tái cấu trúc. Điều đó chứng tỏ chương trình kế hoạch chúng ta không thiếu nhưng tôi nghĩ rằng, sở dĩ nó không đi vào được cuộc sống bởi vì bản thân chương trình kế hoạch đó chưa trúng, chưa dựa trên một nền tảng nghiên cứu, phân tích sâu sắc về căn nguyên của chuyện ì ạch về cấu trúc, lạc hậu về cấu trúc, đi sau thiên hạ về cấu trúc...
Nếu chúng ta ngồi trong bốn bức tường viết ra chương trình cấu trúc nọ cấu trúc kia mà không có những nghiên cứu cơ bản, không có những học hỏi kinh nghiệm, không có những trải nghiệm thực tiễn thực sự, phải nhìn thấy được mình ghẻ lở hắc lào ở đâu và mình đang đứng ở chỗ nào thì mới có biện pháp để khắc phục được.
Điều đó nói lên 2 vấn đề. Thứ nhất là chất lượng bộ máy kém. Đào tạo hời hợt. Chúng ta nhìn vào hệ thống các trường đại học của Việt Nam thì biết. Toàn bộ chương trình đào tạo không gắn với những đòi hỏi của xã hội, không gắn với một môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Tinh thần thái độ học tập cũng được kiểm soát rất hời hợt. Hời hợt tới mức chúng tôi thất vọng thực sự. Chuyện sinh viên đại học thuê người viết bài, viết luận văn, chạy điểm là chuyện bình thường, chạy chứng chỉ là chuyện bình thường.
Cái gì đã tạo nên một tình trạng như vậy? Tôi nghĩ là sự thiếu động lực. Sinh viên vẫn nghĩ rằng học xong ra trường nếu không có tiền thì cũng không kiếm được việc làm, không chạy được việc làm, nên học làm gì.
Thứ hai, như Thủ tướng nói, chúng ta thiếu khát vọng thực sự. Một khát vọng gắn liền với dân tộc, gắn liền với cộng đồng. Khát vọng từng là điều cha ông ta không thiếu. Cha ông ta dép cao su trèo đèo lội suối làm nên những điều kỳ diệu là nhờ vào khát vọng.
Nhưng thế hệ thanh niên bây giờ đòi hỏi rất nhiều điều kiện cộng đồng tạo ra cho họ thì họ mới có thể làm được. Chính vì vậy chúng ta hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực. Muốn phát triển điều gì đó thì quan trọng bậc nhất là đam mê và kỷ cương. Kỷ luật vô cùng nghiêm ngặt mới tạo ra được những sản phẩm thực sự chất lượng.
Nên có một chương trình tái cấu trúc khác, trên nền tảng các quan điểm khác.
Không nên quá nhiều chương trình tái cấu trúc, nên chọn một vài thứ. Một trong những chương trình tái cấu trúc mà tôi cho rằng quan trọng nhất hiện nay là tái cấu trúc ngành nông nghiệp và hệ thống tài chính. Hệ thống tài chính là mạch máu của nền kinh tế, nếu không tái cấu trúc sẽ nghẽn động mạch, tai biến.
Còn nông nghiệp, chúng ta chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, chịu sự tác động từ thiên nhiên rất lớn, chúng ta cũng tiếp tục tạo ra cho đất mẹ thêm những vùng sa mạc, hoang hóa do sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc BVTV...
Với môi trường ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về nông sản thì tôi nghĩ đây là chương trình tái cấu trúc khẩn cấp nhất. Là một trong những chương trình tạo ra thế mạnh lan tỏa tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, ở thời điểm này, nên tập tập trung vào 3 lĩnh vực. Một là nông nghiệp, hai là tài chính ngân hàng, ba là giáo dục đào tạo.
Về chính sách, tôi nghĩ rằng, ở các nước họ có quỹ phòng vệ rủi ro trong nông nghiệp do Chính phủ tài trợ. Ở Mỹ mỗi một năm quỹ này tài trợ từ 182 tỷ đến 250 tỷ USD cho nông nghiệp của họ.
Nếu gặp những khó khăn về thiên tai, chiến tranh khiến nông dân gặp khó khăn thì Chính phủ sẽ tài trợ. Chính sách tài trợ của họ có thể kéo dài hàng chục năm bằng việc cấp quota (hạn ngạch) sản xuất nông nghiệp.
Ví dụ nhà có mười mẫu ruộng, để sản xuất lúa thì năm nay chính phủ cho phép sản xuất có sáu mẫu thôi, còn bốn mẫu bỏ hoang. Và bốn mẫu bỏ hoang đó sẽ được Chính phủ tài trợ. Cách làm đó sẽ tránh được tình trạng nhà nhà sản xuất, người người sản xuất để cuối cùng dư thừa.
Dư thừa thì giá cả xuống khủng khiếp và nông dân lại lỗ do chi phí sản xuất vẫn như thế nhưng giá cả bị tụt. Nhiều nước họ làm rất chặt chẽ, từ quy hoạch đến cấp quota sản xuất nông nghiệp đối với một số sản phẩm nông nghiệp chính để kiểm soát được cung cầu trên thị trường.
Cho nên, tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng cần có chính sách tài trợ cho nông dân. Tất nhiên chưa đến mức tài trợ cho việc bỏ hoang như Mỹ vì đồng ruộng của họ mênh mông còn mình thì vẫn đang manh mún, nhưng ở một mức độ nào đó, trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh, không tiêu thụ được thì cần có biện pháp hỗ trợ.
Nông sản là loại không thể để dành, không thể cất trữ, đến mùa vụ là phải tiêu, lâu nay chúng ta vẫn đưa ra biện pháp giải cứu mỗi khi ùn ứ, nhưng cách làm đó không ổn. Cách làm đó chỉ mang tính chất nhất thời, về nguyên tắc thị trường có hại hơn là có lợi, thậm chí còn làm giá giảm sâu hơn.
Xin cảm ơn ông!
"Kinh tế thị trường" bị hiểu sai kinh khủng
Nói đến thị trường, thưa ông, lâu nay có khái niệm, các chuyên gia kinh tế, thị trường không minh bạch, chuyện giá lợn, chuyện giải cứu các mặt hàng nông sản được phân tích trong những nghi vấn về bàn tay thao túng của thương lái, của nhiều doanh nghiệp lớn, thậm chí là cơ quan quản lý... Ông nghĩ gì về vai trò của Nhà nước trong thị trường?
Thực ra, hai chữ minh bạch là vấn đề của Chính phủ chứ không phải vấn đề của dân. Dân thì cạnh tranh nhau, vì lợi người ta bất chấp thủ đoạn. Cho nên mới cần Chính phủ để làm cho cuộc cạnh tranh đó trở nên minh bạch, công bằng.
Ở đây có một vấn đề. Chúng ta có nhiều tổ chức như quản lý thị trường, an ninh kinh tế, đủ thứ nhưng có lẽ là chưa thật tập trung vào việc làm cho thị trường trở nên công bằng và minh bạch. Lâu nay chúng ta vẫn cứ tặc lưỡi “thời buổi kinh tế thị trường” anh ạ.
Một cái tặc lưỡi tạo ra hậu quả gieo vào trong thế hệ trẻ, trong nhân dân rằng, đã là kinh tế thị trường thì xã hội cũng thị trường, thị trường tất. Con cháu bây giờ hiểu sai một cách kinh khủng, học mà không có tiền cũng không có việc làm và ngược lại.
Theo tôi, cần hiểu đúng, đã kinh tế thị trường thì cạnh tranh phải công bằng, đã là xã hội thì phải bình đẳng thực sự.