Trụ cột của nền kinh tế
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và từng bước bảo đảm an ninh dinh dưỡng, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Giai đoạn 2008 - 2017 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; quy mô GDP ngành năm 2017 gấp 1,25 lần, giá trị sản xuất ngành gấp 1,37 lần năm 2008 (giá so sánh năm 2010).
Năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,32% so với năm 2018, trong đó nông nghiệp tăng 0,84%, lâm nghiệp tăng 4,85%, thuỷ sản tăng 6,25%; GDP toàn ngành tăng 2,2%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 41,3 tỷ USD, Việt Nam khẳng định là cường quốc xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Một điều rất dễ nhận thấy là, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông lâm thủy sản có lợi thế và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới.
Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động; khoa học -công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Việc quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản đạt nhiều kết quả tích cực; công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai được tăng cường; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực hiện vượt mục tiêu đề ra; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh...
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường; phát triển mạnh dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,0 - 3,2%/năm.
Số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 75% (trong đó ít nhất 20% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), có 18% số huyện đạt chuẩn NTM (trong đó 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu). Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 2 lần năm 2017. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 55%.
Đầu tư công chỉ đảm bảo 30% nhu cầu
Sự phát triển toàn diện, bền vững của ngành nông nghiệp thực sự là trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt là trong các giai đoạn khó khăn, như tác động của đại dịch Covid – 19 hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, có một thực tế là, cơ chế, chính sách dù ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, mang nặng tư duy bao cấp, thiếu nguồn lực để thực hiện, đặc biệt thiếu động lực đối với nông dân (vì đối với nông dân phải có cả phong trào và lợi ích thiết thực, hiệu quả).
Nguồn vốn cho thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp (tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm trên 50%).
Đặc biệt, tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nông nghiệp trong tổng FDI chung của cả nước rất thấp và có xu hướng giảm; đầu tư của doanh nghiệp trong nước có tăng trong vài năm gần đây nhưng vẫn còn rất ít; vai trò, trách nhiệm của khu vực công nghiệp, dịch vụ đối với hỗ trợ cho nông nghiệp chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao.
Cụ thể là, nguồn lực đầu tư công phân bổ qua Bộ NN-PTNT giai đoạn 2016 - 2020 chỉ tăng 1,26 lần so với 5 năm trước (2011 - 2015) và chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Nhiều dự án tái cơ cấu ngành, khắc phục và ứng phó thiên tai đã được chuẩn bị nhưng không có nguồn vốn để thực hiện.
Năm 2019 tổng kế hoạch vốn được giao là 14.773 tỷ đồng; trong đó dự án vốn trong nước 1.008 tỷ đồng, dự án vốn ODA 2.685 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 11.000 tỷ đồng.
Đề nghị bố trí vốn 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước
Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 qua Bộ NN-PTNT đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước (tối thiểu 120 nghìn tỷ đồng) như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cân đối bố trí nguồn lực thực hiện theo quy định của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định: "Ngân sách trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành nông nghiệp”. Nhưng thực tế đến nay ngân sách Trung ương, cũng như địa phương hầu như chưa được phân bổ hoặc rất ít để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80% (trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,8 lần năm 2020), Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Chính phủ tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước gấp 2 lần giai đoạn 2016 - 2020 (tăng tỷ trọng và quy mô vốn từ ngân sách Trung ương) vì các xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM, phần lớn là các khó khăn về kinh tế ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa rất cần nhiều nguồn lực từ bên ngoài.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai (đề xuất sửa Luật Đất đai) để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông dân, nông thôn.
Năm 2020, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp, các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Chính phủ: số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020.
Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, phấn đấu số doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới năm 2020 là 2.900 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 15.481 doanh nghiệp.