| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp TP.HCM và các tỉnh xung quanh sẽ không còn ranh giới

Thứ Tư 18/11/2020 , 17:17 (GMT+7)

Ông Đinh Minh Hiệp vừa nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành nông nghiệp TP.HCM. Với nhiệt huyết và kiến thức tốt, ông được kỳ vọng tạo sức bật mới cho nông nghiệp Thành phố…

PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với Tân Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp về chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững tại vùng kinh tế lớn nhất cả nước.

TP.HCM có rất nhiều chương trình, mục tiêu lớn như: Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn, giống bò thịt, đàn bò sữa, hoa cây kiểng, cá cảnh, cá sấu... Đến nay, các chương trình này đã có tác động như thế nào tới việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP.HCM, thưa ông?

Ông Đinh Minh Hiệp: Giai đoạn 2016 -2020 thành phố có tổng cộng hơn 20 chương trình mục tiêu theo các đối tượng như: rau, hoa, cá kiểng, bò thịt, bò sữa, heo, tôm…Tất cả đều tập trung triển khai vào những vấn đề chính như giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Đây cũng là những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp và đến cuối năm 2018 đã được công nhận là các sản phẩm chủ lực của Thành phố.

Ông Đinh Minh Hiệp - Tân Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM trả lời phỏng vấn Báo NNVN. Ảnh: MS.

Ông Đinh Minh Hiệp - Tân Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM trả lời phỏng vấn Báo NNVN. Ảnh: MS.

Để tập trung đầu tư và cơ cấu định hướng phát triển ngành nông nghiệp Thành phố, những sản phẩm này vẫn được chọn là đối tượng chiến lược để xây dựng phát triển phù hợp với nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao và công nghệ sinh học. Trong tương lai, Sở NN&PTNT TP.HCM dự kiến sẽ có chương trình phát triển các sản phẩm của ngành nông nghiệp riêng.

Ngành nông nghiệp TP.HCM được đánh giá là tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển khoa học - công nghệ, gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0. Xin ông cho biết về kế hoạch hành động phát triển của ngành nông nghiệp TP.HCM trong thời gian tới?

Ông Đinh Minh Hiệp: Hiện nay ngành nông nghiệp TP.HCM đang tập trung vào các mảng lớn, sắp xếp cơ cấu lại theo định hướng của Bộ NN-PTNT cũng như theo Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố. Tất cả đều gắn với hoạt động của ngành quy hoạch và bảo vệ tài nguyên môi trường, sắp xếp về quỹ đất nông nghiệp cũng như khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất nông nghiệp của Thành phố theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị; gia tăng giá trị, chất lượng của các đối tượng nông nghiệp trên cùng diện tích canh tác.

Chúng tôi đang hướng tới xây dựng 51 chương trình dự án thuộc Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng bộ Thành phố nhấn mạnh về ngành nông nghiệp, chương trình giống cây con và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình sẽ tập trung vào hai vấn đề: TP.HCM sẽ là Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để phát triển ngành sản xuất nông nghiệp đặc thù; đồng thời thể hiện vai trò sản xuất giống chất lượng cao phục vụ trong nước và toàn khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia, Myanma.

Sản phẩm NNCNC được TP.HCM chú trọng phát triển. Ảnh: MS.

Sản phẩm NNCNC được TP.HCM chú trọng phát triển. Ảnh: MS.

Tất cả đều thể hiện ngành sản xuất đặc thù của Thành phố có hàm lượng KHCN trong đó; bên cạnh đó sẽ tập trung vào khâu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hơn nữa nông nghiệp số. Trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố cũng đã khẳng định chỉ tiêu tới năm 2025 kinh tế số của Thành phố sẽ góp 25% trong GRDP và định hướng tới năm 2030 sẽ tăng lên tới 40%.

Trong 10 lĩnh vực về kinh tế số có lĩnh vực nông nghiệp, do đó đặt ra cho ngành nông nghiệp cần phải có sự chuyển biến về mặt nhận thức cũng như trong mọi hoạt động triển khai. Không chỉ thuần túy tính ở giá trị sản xuất mà còn hướng tới tăng giá trị dịch vụ và không dừng lại ở việc đánh giá tác động kinh tế mà cả về xã hội và môi trường.

Thưa ông, vấn đề nông sản an toàn đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, ngành nông nghiệp TP.HCM đã và đang có chiến lược như thế nào để tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng?

Ông Đinh Minh Hiệp: Ngành nông nghiệp Thành phố hiện đang tham mưu về chương trình hành động về an ninh lương thực; xác định vùng nuôi trồng để tạo nơi cung cấp cho nhu cầu của người dân Thành phố ở mức tối thiểu và gắn kết với các tỉnh thành xung quanh nhằm hình thành vùng nguyên liệu. Hiện nay, nông sản Thành phố mới chỉ đảm bảo cung ứng được khoảng 10 - 15%, còn lại vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh thành lân cận.

Vấn đề an toàn thực phẩm nông sản được ngành nông nghiệp Thành phố đặt lên hàng đầu. Ảnh: MS.

Vấn đề an toàn thực phẩm nông sản được ngành nông nghiệp Thành phố đặt lên hàng đầu. Ảnh: MS.

Thành phố cũng đã ký kết hợp tác với tất cả các tỉnh thành khu vực xung quanh để phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo hướng VietGAP hay GlobalGAP. Hiện Thành phố cũng đã có một số mô hình về nông nghiệp hữu cơ, nhưng chúng tôi đang tiếp tục hướng tới xây dựng đề án về nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, mong muốn sẽ triển khai rộng mô hình này ra các tỉnh thành xung quanh để cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng cũng như hướng đến xuất khẩu.

Về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu, bộ mặt nông thôn đang thay đổi tích cực. Tuy nhiên, với đặc điểm là vùng kinh tế lớn nhất nước, yêu cầu về nâng cao chất lượng xây dựng NTM tại TP.HCM (đặc biệt là thu nhập cho nông dân) tiếp tục đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025. Vậy, TP.HCM đã và đang có những hoạch định và chiến lược như thế nào để tiếp tục nâng cao về chất và lượng hơn nữa, thưa ông?

Ông Đinh Minh Hiệp:Hiện nay Thành phố đã có 50/56 xã đạt chuẩn NTM và đang hướng tới  đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí của Trung ương. Mặt khác, Thành phố cũng đang đề xuất lên Ban chỉ đạo Trung ương cấp chứng nhận cho huyện Cần Giờ đạt chuẩn NTM vì đã đủ điều kiện. Đây là sự nỗ lực của Thành phố trong thời gian qua và cần phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân sống ở khu vực nông thôn trong thới gian tới.

Chương trình xây dựng nông thôn góp phần giúp người dân gắn bó với nông nghiệp TP.HCM có thu nhập cao. Ảnh: MS.

Chương trình xây dựng nông thôn góp phần giúp người dân gắn bó với nông nghiệp TP.HCM có thu nhập cao. Ảnh: MS.

Đồng thời, để giúp người dân phát triển ngành nghề của mình, tạo sự chênh lệch ở mức thấp nhất giữa thành thị và nông thôn, Sở NN&PTNT Thành phố đang đặt ra mục tiêu phấn đấu cho giai đoạn tới doanh thu từ sản xuất nông nghiệp phải đạt được từ 800 đến 900 triệu/ha (hiện doanh thu đã đạt được từ 500 đến 600 triệu/ha). Do đó, cần phải thay đuổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp gắn kết với du lịch hay giáo dục…nhằm hỗ trợ cho người nông dân nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi hiện đang tập trung xây dựng những mô hình mới nhất để tăng được giá trị sản xuất mà không chỉ dừng lại ở nông nghiệp thuần túy như lâu nay đã thực hiện.

Theo ông, ngành nông nghiệp TP.HCM hiện đang những lợi thế gì và hạn chế lớn nhất là gì?

Ông Đinh Minh Hiệp: Tôi thấy lợi thế lớn nhất là ngành nông nghiệp Thành phố đã có nền tảng phát triển bền vững từ lâu, đến nay tất cả những định hướng phát triển của nông nghiệp đều thể hiện rất rõ những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Thành phố; hỗ trợ được bộ mặt phát triển nông thôn, cũng như tạo dựng vững vàng cho ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp TP.HCM đang có nhiều cơ hội đế bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: MS.

Nông nghiệp TP.HCM đang có nhiều cơ hội đế bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: MS.

Chính vì vậy dẫn tới thay đổi rất nhiều trong tư duy và cách tiếp cận, cũng như tham mưu tốt cho lãnh đạo Thành phố về hướng phát triển nông nghiệp đô thị bền vững. Còn đối với vùng nông thôn thì sẽ hỗ trợ cho người nông dân có thể sống được bằng nghề nông và giúp họ gắn bó với quê hương hơn.

Ông có những kiến nghị hay đề xuất gì về cơ chế, chính sách với Trung ương và Thành phố để tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp Thành phố phát triển trong thời gian tới?

Ông Đinh Minh Hiệp: Đã là nông nghiệp sẽ liên quan nhiều đến đất đai, do đó cần phải tính toán hài hòa giữa đất nông nghiệp và quỹ đất khác trong sự phát triển chung của Thành phố. Chúng tôi mong muốn Thành phố cần xác định rõ hơn việc quy hoạch để hình thành nên vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và định hướng giúp người dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như HTX, vì sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải tích tụ ruộng đất để đi vào nền sản xuất lớn.

Với nhiệt huyết và kiến thức tốt, ông Đinh Minh Hiệp được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho nông nghiệp TP.HCM...

Với nhiệt huyết và kiến thức tốt, ông Đinh Minh Hiệp được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho nông nghiệp TP.HCM...

TP.HCM cũng cần phải có sự gắn kết chặt chẽ với tất cả các tỉnh thành xung quanh để triển khai được những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quan điểm gắn bó giữa nông nghiệp Thành phố và nông nghiệp các tỉnh không còn ranh giới. Đó mới chính là tạo động lực phát triển chung cho cả Thành phố cũng như các tỉnh thành khác…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất