| Hotline: 0983.970.780

Nước đang nhấn chìm phố, cán bộ huyện vẫn chờ ký báo cáo mới thông tin

Thứ Tư 11/09/2024 , 20:04 (GMT+7)

Nhà cửa của nhiều hộ dân tại khu phố Ngọc Bồ bị ngập sâu. Nhiều gia đình phải tránh trú trên cao chờ nước rút trong nỗi lo lắng, bất an.

Lụt ngập đường, nhà

Cả khu phố Ngọc Bồ (thị trấn Kim Tân, Thạch Thành, Thanh Hóa) ngập gần hết nhà dân. Nước lũ trong khu dân cư ào ào đổ ra đường rồi hòa với nước sông Bưởi đang cuồn cuộn chảy xiết. Giữa dòng, vài ba chiếc ca nô của lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn đang hoạt động hết công suất, vận chuyển mỳ tôm, nước sạch cứu trợ cho bà con.

Sáng nay, tuyến đường dân sinh chạy ngang khu phố bị chia cắt tạm thời. Vài thanh niên khỏe khoắn xắn quần cao quá gối, bám chặt lan can bên đường, dò từng bước dưới dòng nước chảy xiết rồi cập bờ khi quần áo đã ướt sũng. Tại đây, hiếm hoi lắm mới tìm được đoạn đường nước không bám chân.

Đoạn đường dẫn vào khu phố Ngọc Bồ bị ngập, gây chia cắt cục bộ. Ảnh: Thanh Tùng. 

Đoạn đường dẫn vào khu phố Ngọc Bồ bị ngập, gây chia cắt cục bộ. Ảnh: Thanh Tùng. 

Nước sông Bưởi sáng nay cuồn cuộn chảy, tràn vào khu đất canh tác của nhiều hộ dân sống cạnh sông. Mấy căn nhà quay lưng về bờ sông có nguy cơ ngập úng nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài. Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại đoạn đường ngập và cấm phương tiện qua lại.

Sâu bên trong phố Ngọc Bồ, người dân phải di chuyển bằng thuyền vì nước đã dâng quá ngực người lớn. Hộ nào không có phương tiện thì được lực lượng chức năng tiếp tế thực phẩm tận nơi. Dọc khu phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít. Một số hộ dân sử dụng bè nổi kết bằng ván gỗ và can nhựa, cột chặt giữa sân để tập kết tài sản. Tối qua, nước lũ lên nhanh, nhiều hộ dân đã không kịp trở tay nên đồ đạc, vật dụng trong nhà bị ngâm nước và cuốn ra đường.

Nhiều hộ dân trong khu phố phải sơ tán tới vị trí cao để tránh trú bão. Vài mái nhà loáng thoáng một số hộ dân ngồi thẫn thờ, phía dưới là biển nước mênh mông. Vài đứa trẻ không chịu để yên tay chân nghỉ ngơi, ngồi trên thuyền rồi chèo chống, nghịch ngợm trong sân.

Bà Nguyễn Thị Hợp lo lắng khi nước đang dâng cao, gây ngập. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Nguyễn Thị Hợp lo lắng khi nước đang dâng cao, gây ngập. Ảnh: Quốc Toản.

Chiếc thuyền tôn của gia đình bà Nguyễn Thị Hợp chứa đầy vật dụng nấu ăn hàng ngày. Tối qua người phụ nữ ấy đã kịp đưa vài bộ quần áo, chăn màn lên gác xép để tránh ngập lụt. Đêm qua, mẹ con bà Hợp thay nhau thức để canh nước. Bà Hợp khăng khăng ở lại căn nhà cũ để giữ tài sản.

“Tính từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 2 nước lên nhanh và dâng cao như vậy. Nếu có di tản cũng khó tìm thấy chỗ trú chân vì toàn khu phố hầu như nhà nào cũng ngập”, bà Hợp chia sẻ.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Sinh (phố Ngọc Bồ) chất đầy vật dụng trên bàn, ghế, trông khá luộm thuộm. Nước trong nhà ngập tới hơn nửa đùi người lớn, ông Sinh dặn dò mấy đứa cháu ngồi vững trên thành ghế để tránh té ngã.

Tứ bề là nước, người dân chỉ biết trú tạm trên mái nhà. Ảnh: Quốc Toản.

Tứ bề là nước, người dân chỉ biết trú tạm trên mái nhà. Ảnh: Quốc Toản.

Nhà ông Sinh sống bằng nghề thợ mộc. Cơn mưa lớn kèm theo nước dâng nhanh khiến toàn bộ số gỗ và máy móc tập kết phía đầu cổng bị ngập. Trong lúc nguy cấp, người đàn ông chỉ kịp tháo chiếc mô tơ để cất lên cao. Mấy sào mía của gia đình chưa kịp chặt cũng ngập hết.

“Nước lũ lên nhanh nên gia đình chưa kịp chuẩn bị đồ dự trữ. Trong bếp chỉ còn vài đồ gia vị mắm muối… Hôm qua chính quyền địa phương cấp phát cho các hộ thùng mỳ tôm và nước sạch để nấu ăn bữa trưa nay”, ông Sinh nói.

Nhiều căn nhà tại phố Ngọc Bồ ngập sâu trong nước. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều căn nhà tại phố Ngọc Bồ ngập sâu trong nước. Ảnh: Quốc Toản.

Dù đã tránh trú an toàn nhưng chị Vũ Thị Nhàn vẫn tiếc mấy sào ruộng bị ngập gần hết ngọn: “Cả gia đình 7 nhân khẩu chỉ nhờ cậy vào 8 sào lúa và 1 mẫu ruộng trồng mía nhưng tất cả diện tích trên đều ngập sâu trong nước. Lúa sắp thu hoạch mà ông trời không cho ăn. Sau khi nước rút, cố vớt vát được tí nào hay tí đó”, chị Nhàn cho biết.

Anh Trịnh Quang Trung (chồng chị Nhàn) có vẻ lo cho người hơn là tiếc của. Cạnh khu đất của gia đình là đường điện võng xuống rất thấp, chưa được thay thế.

“Hôm nào mưa lớn là người dân không dám ra đường vì sợ điện giật. Hôm trước, đoạn dây trần bị đứt ngang thân, sà xuống mặt đường. May mà không ai bị giật. Dân thấy đường điện thấp nên dùng gậy để chống tạm lên cao. Nếu cứ để điện đuốc thế này, không chừng có bữa...", anh Trung lo lắng.

Chờ chữ ký lãnh đạo mới cung cấp thông tin ngập lụt

Nhóm phóng viên tác nghiệp hiện trường vùng lũ di chuyển ra bên ngoài sau cơn mưa nặng hạt lúc gần trưa. Vài chiếc thuyền của người dân trong khu phố cũng vừa kịp về sau khi nhận đồ tiếp tế bên ngoài. Phía dọc đường cái, nước sông Bưởi vẫn mấp mé bờ và có thể gây nguy hiểm cho người qua lại.

Thời điểm này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã gọi điện trao đổi nhanh với ông Hà Đức Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để thông tin thêm về tình hình ngập úng tại khu phố Ngọc Bồ.

Phóng viên cũng đề nghị cán bộ này tạo điều kiện cung cấp báo cáo về số hộ bị ngập lụt và phương án triển khai khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, ông Tâm từ chối với lý do: “Báo cáo trình lãnh đạo ký rồi nhưng chưa ban hành”.

Phóng viên tiếp tục đề nghị ông Tâm cung cấp số liệu sơ bộ, nhưng cán bộ này vẫn khăng khăng: “Không, báo cáo phải chờ lãnh đạo ký đã…”.

Cũng tại thời điểm này, phóng viên tiếp tục liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành với mục đích nắm thêm thông tin về tình hình ngập lụt trên địa bàn nhưng không nhận được phản hồi.

Người dân khu phố Ngọc Bồ dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân khu phố Ngọc Bồ dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Quốc Toản.

Qua trao đổi nhanh, ông Vũ Văn Đạt, Bí thư huyện ủy Thạch Thành cho biết, đối với việc cứu trợ tại khu phố Ngọc Bồ, hiện nay cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo địa phương cung cấp nhu yếu phẩm, nước sạch cho bà con sử dụng.

“Khi nước lũ dâng cao trên báo động 2, gây ngập sâu, lực lượng chức năng sẽ sơ tán dân tới vùng an toàn. Khi nước rút, chính quyền địa phương sẽ cắt cử lực giúp dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ”, ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu, trọng điểm để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tiếp tục rà soát các hộ khu vực trũng thấp bị ngập lụt, hộ nguy cơ sạt lở đất để có phương án huy động lực lượng tổ chức di chuyển đến nơi an toàn.

Chỉ đạo các ngành liên quan (ngành điện, giao thông…) rà soát, kiểm tra, khẩn trương xử lý khắc phục ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.  Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín bị đổ gãy, diện tích chưa thu hoạch được thì tổ chức bó dựng, đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất…

Tính đến chiều ngày 11/9, toàn huyện Thạch Thành có 172 hộ bị ngập nước từ 40-50cm, chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhà cửa. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 200 căn nhà bị ngập, 233 căn nhà bị tốc mái do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay. Địa phương cũng ghi nhận gần 3.000ha lúa bị đổ gãy.

Xem thêm
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng.

Trà Vinh khắc phục 3 vị trí sụp lún kè biển

Sở NN-PTNT Trà Vinh phối hợp với địa phương tiến hành khắc phục tạm 3 vị trí sụp lún trên kè biển Hiệp Thạnh để tránh lan rộng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hơn 1,1 tỷ đồng người dân Mỹ Tho ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

Tiền Giang Theo UBND thành phố Mỹ Tho đã có 35 cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.