Lúa đổ rạp, mọc mầm
Ông Nguyễn Đình Sinh thờ thẫn mấy ngày nay, chẳng đoái hoài việc cơm nước. Vợ chồng ông lo cho ruộng lúa đang độ chín, sắp được thu hoạch thì gặp bão lớn. Bão tan, ông Sinh vội vàng chạy khắp xóm để thuê người gặt vội 7 sào lúa bị đổ ngã, bông chìm dưới nước. Trước khi bão đổ bộ, ruộng lúa của gia đình ông Sinh trĩu nặng hạt, độ chín đạt 50%. Vậy nhưng chỉ sau vài ngày, cả ruộng lúa đổ rạp.
“Lúa ngâm nước mà không gặt kịp thì chỉ làm rơm rạ cho trâu bò. Ông trời không thương thì phải chấp nhận. Gặt chạy được ít nào tốt chút đó, chứ để lâu coi như hỏng hết”, ông Sinh chua xót.
Cánh đồng trũng thôn Mỹ Khê (xã Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa) sau trận bão số 3 ngập quá đùi người lớn. Kế bên ruộng nhà ông Sinh, vài hộ dân đã kịp gặt trước bão. Cánh đồng lổn ngổn gốc rạ sắc như lưỡi lam, như níu chân người dưới bùn lầy. Mấy thanh niên trẻ có nghề lái máy gặt đứng chống nạnh đầu bờ, chỉ biết lắc đầu vì ruộng sình lầy, lúa đổ gãy không thể cơ giới.
"Giá nhân công là 400.000 đồng/người/ngày, chưa tính tiền ăn, nhưng tìm đỏ mắt mới thuê được người”, ông Sinh chia sẻ.
Trưa nay, anh Nguyễn Hữu Phi thuê 5 người gặt 3 sào lúa, chưa kể hai vợ chồng và 1 lao động chuyên tời lúa lên bờ. Cũng giống như nhiều gia đình khác, mấy sào lúa của gia đình anh bị đổ ngã mất 2/3 ruộng. Thời gian gặt thì nhanh, nhưng công đưa lúa lên bờ tốn khá nhiều thời gian. Do ruộng sình lầy nên anh Phi không thể dùng thuyền để kéo lúa.
Trong tốp thợ gặt, vợ chồng anh cắt cử 2 lao động chuyên thu gom lúa. Chiếc bạt rộng chừng sải tay người lớn được cột chặt bằng dây thừng rồi dùng sức người kéo lê trên mặt nước. Sau khi gom đầy lúa, bạt được kết nối với tời để đưa lúa lên bờ (tời được chế từ động cơ xe máy). Gia đình anh Phi thuận lợi hơn các hộ dân khác vì có máy tuốt lúa dạng cải tiến, bởi vậy, lúa gặt đến đâu được xử lý gọn gàng đến đó.
Hiện tại, nhiều hộ dân tại huyện Nga Sơn đang tranh thủ thời gian nắng ráo để ra đồng thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Nhiều diện tích lúa mới đạt tỷ lệ chín khoảng 65-70%, thế nhưng do cây lúa bị ngã đổ nên nông dân phải thu hoạch sớm. Do lúa bị ngập nước nên không thể sử dụng máy gặt để thu hoạch mà phải gặt bằng tay, tiến độ rất chậm.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000ha lúa, hoa màu bị ngập, gãy đổ, trong đó có hơn 1.700ha lúa sắp thu hoạch. Các địa phương trong tỉnh đã huy động hơn hơn 1.000 máy gặt để giúp dân thu hoạch đối với diện tích lúa đã chín tới 80% và ưu tiên gặt các vùng dễ bị ngập lụt.
Hợp tác xã làm cầu nối tiêu thụ
Sau cơn bão số 3, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường phối hợp, đấu nối với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu, để thu mua lúa cho bà con, tránh việc lúa để lâu bị hư hỏng hoặc giảm chất lượng.
Tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều hộ dân tại xã Trường Sơn khẩn trương xuống đồng thu hoạch đối với diện tích lúa đã chín 70%. So với năm ngoái, vụ hè thu năm nay, người dân gặp khó đầu ra vì lúa đổ ngã, lên mộng, tỷ lệ gạo nguyên giảm. Bởi vậy, ngay từ đầu vụ, nhiều thương lái cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, thế nhưng cuối vụ thì họ “quay xe” vì lúa thành phẩm không đạt chất lượng như mong muốn.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn cùng nhiều thành viên hợp tác xã đã trực tiếp liên hệ với các cơ sở chế biến để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chỉ trong ngày 8/9, hợp tác xã đã giúp người dân xã Trường Sơn bao tiêu hơn 100 tấn lúa. Có đầu ra, hiện nay, bà con trong xã đẩy nhanh tiến độ gặt để bán cho công ty chế biến lúa gạo.
“Lúa được doanh nghiệp bao tiêu với giá 6.800 - 7.000 đồng/kg. Thời điểm này, có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu cho dân là tốt lắm rồi”, ông Thành cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong (khu công nghiệp Tây Bắc Ga) cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đã bao tiêu được hơn 500 tấn lúa cho bà con tại các huyện Triệu Sơn, Nông cống. “Tuy chất lượng gạo thành phẩm chỉ đạt 70%, thế nhưng doanh nghiệp vẫn bao tiêu cho người dân với giá khoảng 7.000 đồng/kg và giữ ổn định, giúp nông dân có vốn tái đầu tư sản xuất trong vụ tiếp theo”, ông Tấn chia sẻ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, đến 16 giờ ngày 7/9/2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 24.700 ha lúa vụ mùa, đạt 21,2% diện tích; sản lượng khoảng trên 150.000 tấn lúa. Hiện nay, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương đã đấu nối với các đơn vị, doanh nghiệp để thu mua, bảo quản lúa cho bà con. Hiện, tất cả các dây chuyền sấy lúa của 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng hơn 20 máy sấy của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân, huyện Yên Định và huyện Vĩnh Lộc đã và đang hoạt động với công suất tối đa.