| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt và niềm vui dưới chân hồ Vân Trục

Thứ Hai 08/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

Xã Vân Trục từng có khu vực bị 'xóa sổ' do ảnh hưởng của lũ. Đến nay, địa phương này đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ đảm bảo an toàn hồ đập.

Ký ức đượm buồn

Vân Trục (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) là xã thuần nông, vì vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp và trị thủy luôn song hành cùng nhau và được quan tâm chú trọng hàng đầu. Đặc biệt, sau sự cố tràn hồ năm 1971, việc đảm bảo an toàn của công trình để bà con yên tâm sản xuất càng được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhớ lại sức tàn phá của trận lũ năm 1971, ông Phạm Văn Hùng (thôn Vân Trục, xã Vân Trục) cho biết: “Năm đấy mưa to lắm, nước hồ lên nhanh, xả một đập tràn chính rồi nhưng khả năng vẫn quá tải. Họ phải xả thêm một đập tràn phụ nữa. Đập tràn này xả thẳng ra ruộng lúa vì 2 bên là núi rồi. Nước cứ cuốn phăng đi, chẳng còn gì…”.

Bên dưới khu vực hồ là diện tích canh tác của bà con nông dân. Ảnh: Hùng Khang.

Bên dưới khu vực hồ là diện tích canh tác của bà con nông dân. Ảnh: Hùng Khang.

Hơn 20 ha lúa đang mùa thu hoạch bị cuốn theo dòng nước lũ. Trận lũ không gây ra thiệt hại về người, tuy nhiên những thiệt hại sau lũ thì rất khó để khắc phục trong ngắn hạn. Bởi, toàn bộ phần đất thịt đã trôi theo dòng lũ, còn trơ ra đất sét, người dân buộc phải cải tạo lại đất mới có thể tiếp tục canh tác, thời gian cải tạo kéo dài từ 2-4 năm.

Bà Nguyễn Thị Đường (75 tuổi, thôn Vân Trục, xã Vân Trục) chia sẻ: “Sau khi đơn vị quản lý hồ xả nước xong, tôi đi ra nhìn ruộng mà không biết nên bắt đầu lại từ đâu. Có còn gì đâu, phẳng lừ hết, tìm ruộng nhà mình còn khó, có còn bờ đâu. Chúng tôi phải đắp lại bờ, đi cắt lá cây mang về ủ phân xanh, sau đó rải ra đồng thì mới tạo mùn cho đất được, chứ đất sét thì cấy thế nào được. Phải mất 2-3 năm đấy…”.

Hồ Vân Trục được xây dựng và đi vào hoạt động từ những năm 1966-1968. Ảnh: Hùng Khang.

Hồ Vân Trục được xây dựng và đi vào hoạt động từ những năm 1966-1968. Ảnh: Hùng Khang.

Mặc dù biết quyết định xả đập tràn có thể làm mất trắng công sức chăm bón hoa màu của bà con trong thời gian trước đó, tuy nhiên do mực nước tăng cao, có nguy cơ vỡ hồ, đe dọa đến sự an nguy của người dân và gây thiệt hại cho những xã, thị trấn lân cận, chính quyền địa phương đã vận động bà con đồng ý xả đập tràn. Bởi, theo ông Vũ Đình Thọ (Chủ tịch UBND xã Vân Trục), lượng nước trong hồ hoàn toàn đủ để khiến xã Vân Trục và một số địa bàn lân cận chìm trong biển nước.

Đến nay, sự cố năm 1971 đối với người dân xã Vân Trục vẫn là một nốt trầm, là mảnh ký ức không bao giờ quên đối với họ. Thậm chí, sự cố ấy còn nhắc nhở người dân về những bài học xương máu trong quá khứ để nâng cao nhận thức và ý thức trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập.

Tạo đà phát triển kinh tế

Hồ Vân Trục cung cấp nước tưới tiêu cho toàn xã Vân Trục và nhiều địa bàn khác trong huyện. Nguồn nước luôn được đảm bảo vì vậy năng suất cây trồng cũng tăng dần theo mùa vụ.

Ông Vũ Đình Thọ cho biết: “Nguồn nước tưới tiêu được cung cấp theo định kỳ, khi cần thì hồ mới điều tiết, nếu cho chảy tự do thì không đảm bảo lượng nước giữ lại được. Và phải đúng nông lịch. Ví dụ đến ngày này là phải tháo nước cho người dân gieo mạ, cấy lúa, làm ải… góp phần điều tiết nước cho cây trồng trong thời kỳ sinh trưởng”.   

Hệ thống cống thoát nước, cung cấp nước tưới tiêu cho bà con trong khu vực. Ảnh: Hùng Khang.

Hệ thống cống thoát nước, cung cấp nước tưới tiêu cho bà con trong khu vực. Ảnh: Hùng Khang.

Toàn xã Vân Trục có 120ha diện tích trồng lúa. Do sự phát triển của ngành công nghiệp, phần lớn người dân trong xã đều tham gia các doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty… Tuy nhiên, đánh giá được sự quan trọng của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với khu vực, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích, động viên bà con không bỏ ruộng, tận dụng nguồn thủy lợi thuận tiện để phát triển kinh tế.

Ngoài cây lúa, cây ăn quả và hoa màu cũng có diện tích 300ha. Trong đó, chủ yếu là cây thanh long ruột đỏ. Tận dụng nguồn nước tưới tiêu thuận tiện, cây thanh long ruột đỏ trở thành một trong số những cây trồng đi đầu trong công tác sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Hồ có lưu lượng nước lớn, cung cấp nước tưới tiêu cho 13 xã, thị trấn trên địa bàn. Ảnh: Hùng Khang

Hồ có lưu lượng nước lớn, cung cấp nước tưới tiêu cho 13 xã, thị trấn trên địa bàn. Ảnh: Hùng Khang

Không chỉ có vai trò quyết định đối với hoạt động trồng trọt, hồ Vân Trục còn cung cấp môi trường chăn nuôi thủy sản thuận tiện cho bà con. Theo ông Thọ, nhiều người dân đã thuê lại mặt hồ để nuôi trồng thủy sản. Theo ước tính của địa phương, mỗi ngày hồ Vân Trục xuất đi khoảng 3 tấn cá. Thủy sản cũng dần vươn lên trở thành một trong những hoạt động đem lại nguồn kinh tế hiệu quả cho bà con.

Ngoài ra, ông Thọ cũng cho biết thêm: “Sắp tới đây, hồ cũng sẽ có thêm những hoạt động về du lịch. Dự án đã được phê duyệt và đang tìm nhà đầu tư. Tổng quan nếu có thêm hoạt động du lịch thì hiệu quả kinh tế mà hồ này mang lại cho địa bàn là rất lớn…”.

Hồ là nơi lưu giữ kỷ niệm của nhiều thế hệ người Vân Trục. Ảnh: Hùng Khang.

Hồ là nơi lưu giữ kỷ niệm của nhiều thế hệ người Vân Trục. Ảnh: Hùng Khang.

Cụ thể, đời sống của bà con trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, GDP đạt 54 triệu đồng/người/năm. 6 tháng đầu năm 2024, GDP đã đạt 29 triệu đồng/người.

Để giữ vững và phát triển kinh tế của địa phương, công tác thủy lợi và đặc biệt là an toàn hồ đập được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, phần chân đập đã được cứng hóa từ đáy hồ lên mặt đập. Năm 2012, hồ đã được đầu tư, xử toàn bộ phần thân đập bên ngoài, đập phụ…

Hàng năm, đến vụ mưa, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, túc trực để đảm bảo an toàn cho bà con. “Bởi nếu hồ này mà vỡ thì sẽ làm ngập hoàn toàn các khu vực phía dưới. Việc phòng chống lụt bão luôn được địa phương đưa lên hàng đầu. Hàng năm, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch, phương án, cơ sở vật chất, lực lượng con người…”.

Khi xả lũ, địa phương sẽ đặt những trạm barie, thông báo, cảnh báo để bà con được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Lực lượng dân quân tại chỗ cũng luôn sẵn sàng, tham gia trực tiếp để phòng chống lụt bão.

Nhiều biển cảnh báo được dựng lên quanh hồ để cảnh báo được người dân. Ảnh: Hùng Khang.

Nhiều biển cảnh báo được dựng lên quanh hồ để cảnh báo được người dân. Ảnh: Hùng Khang.

Không những vậy, địa phương cũng cắm những biển cảnh báo cấm tắm, nước sâu để đề phòng đuối nước tại khu vực; thường xuyên tuyên truyền đến bà con về vai trò và nguy cơ có thể xảy ra với hồ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của bà con về vấn đề an toàn hồ đập.

Hồ Vân Trục là hồ nước ngọt, thuộc loại hình hồ thủy lợi, tọa lạc tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Hồ có diện tích 172 ha, độ sâu trung bình là 7m và độ dốc là 15m. Ngoài việc giữ chức năng là hồ thủy lợi, lấy nước phục vụ tưới tiêu cho 13 xã trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận thì hồ Vân Trục còn được khai thác để nuôi thủy sản nước ngọt. Hồ Vân Trục được xây dựng năm 1966, diện tích lưu vực khoảng 19,2km2 với dung tích hữu ích khoảng 7,6 triệu m3, phục vụ tưới thực tế 1.000ha.

Hồ Vân Trục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại khu vực và sự bền vững của cộng đồng. Nhờ lượng nước dồi dào và ổn định từ hồ, bà con nông dân có nguồn nước tưới tiêu đồng đều, tăng năng suất cây trồng. Vì vậy, hồ đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. 

Xem thêm
Nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá.

Vinh danh 12 doanh nghiệp xuất sắc trong ngành chăn nuôi Việt Nam

TP HCM Chiều 9/10, Cục Chăn nuôi đã công bố Giải thưởng Vietstock Awards 2024 với 12 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chăn nuôi Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 6] Những toan tính của tỉnh Hòa Bình

Điều thú vị và bất ngờ, khi xây đập chặn sông Đà từ đó hình thành nên vùng lòng hồ, gần 5 thập kỷ trước người ta chưa nghĩ tới mục đích cho thủy sản...

Bình luận mới nhất