Hồ chứa nước Khe Tâm chuẩn bị đi vào hoạt động. Mít giống hút hàng. Xuất khẩu sắn đặt mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2030. Dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc vùng trồng.
Hồ chứa nước Khe Tâm chuẩn bị đi vào hoạt động
Nguyễn Thành sx
Tháng 3 năm 2022, huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức khởi công xây dựng công trình hồ chứa nước Khe Tâm, xã Nam Sơn. Công trình gồm hệ thống đập đầu mối và hệ thống đường ống cấp nước với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, dung tích trữ 1,2 triệu m2, dự kiến được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2024.
Công trình có nhiệm vụ cấp nước thô cho nhà máy nước thị trấn Ba Chẽ để sản xuất nước sạch với công suất 2.500m3/ngày đêm theo quy hoạch đã được phê duyệt; cấp nước tưới tự chảy cho khoảng 115 ha lúa 2 vụ của các xã Nam Sơn và xã Đồn Đạc.
Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nhất là các công trình như hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện, đã góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như tăng cường công tác phòng chống thiên tai.
Mít giống hút hàng
Minh Đảm sx
Hiện nay, giá các loại mít giống đang ở mức khá cao. Cụ thể, mít Thái từ 20 – 30 nghìn đồng một cây. Mít In-đô ruột đỏ lá bầu từ 30 – 60 nghìn đồng/cây, tùy kích cỡ gốc. Mít ruột đỏ, cam đỏ, cam đào Thanh Thanh có giá duy nhất 60.000 đồng/cây. Đối với mít ruột đỏ tăng từ 8-20 nghìn đồng/cây so với năm ngoái.
Ông Trần Thanh Thanh, chủ cơ sở sản xuất cây giống Thanh Thanh ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: Thời gian qua, giá mít ruột đỏ ổn định từ 40 nghìn đồng/kg trở lên, cá biệt có thời điểm đến 120 nghìn/kg nên bà con mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, tái cơ cấu cây trồng.
Cũng theo ông Thanh, do nhu cầu mít giống tăng nên kéo theo giá gốc ghép cũng tăng mạnh. Hiện mỗi công (1.000m2) có giá từ 70 – 80 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Xuất khẩu sắn đặt mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2030
Quang Dũng Khai thác
Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn. Nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc vùng trồng
Quang Dũng Khai thác
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Theo đó, tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói dưa hấu tươi xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã. Vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải đảm bảo giám sát vườn trồng, giám sát quy trình đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả dưa hấu tươi xuất sang Trung Quốc có thể truy xuất được đến vùng trồng đã được cấp mã số. Đồng thời không được nhiễm 5 đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, bao gồm: ruồi đục quả, 1 loài rệp và 1 loài vi khuẩn.