Luật gia Nguyễn Đức Tĩnh, và luật sư Nguyễn Hồng Cơ, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ ý kiến với PV báo Nông nghiệp Việt Nam xung quanh vụ việc cơ quan chức năng Phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương cưỡng chế một người dân ra test Covid-19, tối 28/9.
Diễn biến vụ việc
Tối 28/9, trên mạng xã hội Facebook, đăng tải đoạn video clip ghi lại cảnh một phụ nữ bị lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ chung cư. Sau đó bị 2 người vào xốc nách ra ngoài để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Được biết, nơi xảy ra vụ việc là căn hộ tầng trệt (B4.022, Block B4, chung cư Ehome 4, P.Vĩnh Phú, TP.Thuận An). Người phụ nữ bị cưỡng chế trong clip là chị Hoàng Thị Phương Lan (SN 1983), sống trong căn hộ nói trên.
Theo nội dung vụ việc, khoảng 10 giờ 30 sáng 28/9, trong lúc đang dạy yoga trực tuyến cho học viên thì thấy có người đập cửa, đề nghị ra lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, chị Lan trình bày “đang dạy học và đã tự test rồi, đến giờ vẫn an toàn, không có nhu cầu tụ tập test hoài ở chỗ đông người và không muốn cắt ngang buổi giảng dạy”.
Nhưng sau đó, một nhóm người đã phá khóa cửa căn hộ, cưỡng chế chị Lan ra sân lấy mẫu trước sự chứng kiến và la khóc của trẻ con. Khi ra ngoài, chị Lan cũng bị lập biên bản vi phạm quy định phòng chống dịch và hẹn lên phường giải quyết.
Theo giải thích về việc phá khoá cửa vào cưỡng chế chị Lan của đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Vĩnh Phú, do chị này không hợp tác nên phải cưỡng chế.
Đại diện phường cho rằng trước đó chị Lan đã nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi tại chung cư Ehome 4 từng có ca F0 nên nguy cơ rất cao. “Chúng tôi không muốn cưỡng chế bất kỳ người dân nào, nhưng để phòng chống dịch, nếu không quyết liệt thì nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao. Việc lấy mẫu chỉ mất vài phút là xong nên rất cần người dân hợp tác”, ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, người có mặt trong buổi cưỡng chế, nói.
Sau khi video được lan truyền trên mạng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Thuận An đã yêu cầu báo cáo. Việc lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ để cưỡng chế lấy mẫu có đúng quy định pháp luật không đang được làm rõ.
Có đúng trình tự pháp luật hay không?
Nêu quan điểm cá nhân về vụ việc, Luật gia Nguyễn Đức Tĩnh, TP.HCM, nói: Theo quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và Bộ Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát, cách ly y tế và điều trị.
Do đó, nếu người dân đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc đi xét nghiệm mà không chấp hành thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong trường hợp người bị yêu cầu xét nghiệm cố tình không chấp hành thì sẽ có biện pháp cưỡng chế hành chính. Nhưng phải có quyết định cưỡng chế do người có thẩm quyền tương đương ký, ban hành.
Theo luật gia Nguyễn Đức Tĩnh, dịch Covid-19 đã gây hậu quả vô cùng lớn, và vẫn đang diễn biến phức tạp, cả nước phải gồng mình phòng chống. Do đó, không thể chấp nhận bất cứ hành vi nào, dù nhỏ, nhằm gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
"Cũng dễ hiểu khi thấy hành động quyết liệt của cơ quan chức năng phường Vĩnh Phú trong công tác phòng chống dịch như trong clip. Tuy nhiên, sự quyết liệt đó xem ra chưa phù hợp. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội như thế này, những việc làm chưa chuẩn của cơ quan chức năng có thể gây dư luận xấu", luật gia nói.
"Diễn biến vụ việc theo clip ghi lại cho thấy, việc làm của cơ quan chức năng phường Vĩnh Phú là rất phản cảm, trong khi còn có những cách giải quyết khác “thấu tình, đạt lý” hơn, không nhất thiết phải có hành động quá khích như vậy.
Hiện nay đã có quy định là phát que test cho người dân tự test, sau đó giao kết quả lại, sao không làm cách này? Hoặc muốn trực tiếp lấy mẫu cho họ, mà họ từ chối, thì cần biết rõ lý do tại sao, sau đó tuỳ tình hình mà có thể dùng biện pháp giải thích, cho họ hiểu rằng hành động đó của họ là vi phạm, sẽ bị xử phạt, thậm chí có thể bị khởi tố nếu để lây lan dịch.
Khi họ vẫn kiên quyết từ chối thì lúc đó mới cần dùng biện pháp mạnh. Nhưng tôi nhấn mạnh, dù là biện pháp nào thì cũng cần phải đúng quy trình, nghĩa là cần có quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Có thể thực hiện cưỡng chế ngay mà không cần quyết định trong trường hợp bất khả kháng, ví dụ nếu đợi đến khi ban hành quyết định mới thực hiện cưỡng chế thì có thể gây hậu quả chẳng hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không có gì đến mức phải “làm ngay” như vậy”, luật gia Tĩnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Cơ, Đoàn Luật sư TP.HCM nói: “Lúc mới xem clip tôi tưởng là bắt tội phạm.
Clip cho thấy, 2 người đàn ông khỏe mạnh bẻ quặt cánh tay người phụ nữ ra ngoài không khác gì áp giải tội phạm, bất chấp tiếng khóc thét của trẻ con.
Để thực hiện việc cưỡng chế một người, cần phải theo quy trình. Ngay cả tội phạm, khi cưỡng chế cũng có quyền được nghe đọc quyết định mà. Theo diễn biến trong clip cho thấy, đến thời điểm cưỡng chế được thực hiện thì không có văn bản hay quyết định cưỡng chế nào đối với người phụ nữ này.
Chưa kể, việc cưỡng chế nhằm phòng chống dịch, nhưng chính những người thực hiện hành vi cưỡng chế này lại không tuân thủ quy định 5K khi xốc nách người phụ nữ ra ngoài mà chị này không kịp đeo khẩu trang. Nếu chị này là F0 thì có nguy cơ lây cho người khác lắm chứ.
Cơ quan chức năng cần phải xem xét thấu đáo, xem vụ việc có đúng trình tự pháp luật hay không”.
“Đến thời điểm này mình và con mình âm tính với Covid-19, mình biết tự chăm sóc sức khỏe, chủ động cho bản thân và con mình, mình vẫn làm việc online được và mình biết ơn vì điều đó!
Mình không phải là đối tượng nghi nhiễm hay tội phạm, mình nói đang dạy học và đã tự test rồi, đến giờ vẫn an toàn, không có nhu cầu test hoài ở chỗ đông người!
Họ còn hỏi sao làm việc hoài vậy? Rồi họ đập cửa, phá khoá, xông vào nhà xốc nách mình đi trước sự chứng kiến của những học trò nhỏ (trên mạng), con khóc thét vì sợ”, chị Lan trình bày trên trang cá nhân.