| Hotline: 0983.970.780

Phải chống tác hại rượu, bia để ngăn những... cỗ máy giết người

Thứ Ba 21/05/2019 , 20:34 (GMT+7)

Trước vấn nạn người uống rượu, bia tham gia giao thông gây các vụ tai nạn nghiêm trọng, bên lề nghị trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu cho rằng, nếu không ngăn chặn các “ma men” tham gia giao thông, thì sẽ gây nguy hại rất lớn cho xã hội.

Không nên chỉ trông chờ vào việc xử phạt

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM), cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đã đưa ra những chế tài mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn so với khung xử phạt trước như Nghị định 171, nhưng vẫn chưa đủ.

“Tôi có một phỏng đoán, nếu thực hiện phỏng vấn người dân, sẽ có rất nhiều người tưởng rằng phải uống rất nhiều rượu, bia thì mới vượt quá giới hạn nồng độ cồn cho phép. Trong khi đó, với nồng độ từ 0,25 miligam/lít khí thở thì chỉ cần uống 1,5 lon bia và 2 ly rượu nhỏ đối với nam giới mà thôi”, bà Lan nói.

Ảnh mang tính minh họa

Do đó, nếu đã đi liên hoan, hội họp thì mỗi người uống trung bình khá nhiều rượu, bia. Nếu họ tham gia giao thông, công an yêu cầu đo nồng độ cồn thì sẽ bị xử phạt. Cho nên, chúng ta cần tuyên truyền, thông báo để người dân từ từ giảm lượng rượu bia tiêu thụ.

“Ta không đặt tham vọng cấm rượu bia ngay lập tức. Không nên trông chờ chỉ xử phạt hành chính, mặc dù đã có chế tài khá mạnh” – bà Lan chia sẻ. Xử phạt bằng tiền chỉ là một khía cạnh, quan trọng nhất là xử phạt phải đạt hiệu quả. Một khi xã hội có quá nhiều người uống rượu, thì không bao giờ đủ lực lượng cảnh sát giao thông để kiểm tra, xử lý.

Chúng ta cần có những chiến dịch kiểm tra, giám sát, xử phạt trọng điểm, ở những khu vực tập trung nhiều quán bia, rượu. Chúng ta kiểm tra ngay, xử phạt và truyền thông về tác hại khi sử dụng rượu, bia. Mặt khác, cần có những chế tài xử phạt khác, như bắt lao động công ích, bắt người lá xe uống rượu, bia phải tham gia các lớp giáo dục cộng đồng mới được trả lại giấy phép lái xe.
 

Phải cách ly các “ma men” với xã hội

Trong các quy định của pháp luật, chúng ta chưa đề cập đến việc tài xế tái phạm hành vi tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia thì sẽ bị xử lý như thế nào. Thậm chí có trường hợp nồng độ rượu, bia của người tham gia giao thông quá cao, hoặc người bị kiểm tra nồng độ cồn không hợp tác với cảnh sát thì phải bắt giam một vài ngày, phải cách ly họ với xã hội. Nếu không, họ sẽ là cỗ máy giết người.

Đại biểu Quàng Văn Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng: “Tình trạng lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đang rất báo động. Bởi vậy, quan điểm của cá nhân tôi là phải ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia càng cớm càng tốt. Khi luật ra đời sẽ tác động đến ý thức của từng công dân và cộng đồng xã hội”.

Cũng tại hành lang nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia phải đưa ra được những hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

18-26-42_dibieuquochoi-01
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Ví dụ, sai phạm về uống rượu, bia phải thu hồi giấy phép lái xe từ 3-5 năm hoặcc xử phạt ít nhất 50-100 triệu đồng. Các cơ sở kinh doanh rượu, bia không được bán quá nhiều, khiến khách hàng say xỉn. Hoặc có quy định xử phạt về hành vi ép người khác uống rượu, bia. Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định các cơ sở kinh doanh không được bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Thậm chí, khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thì cũng chưa thể coi đó là thắng lợi. Bởi, trước đó chúng ta cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật ban hành rồi nhưng từ ngày ban hành đến nay chưa có nơi nào xử phạt được vi phạm về thuốc lá, hoặc nhiều cơ quan nhà nước, nhiều thủ trưởng, lãnh đạo, cán bộ công chức một số ngành vẫn vi phạm hút thuốc trong phòng làm việc, trong cơ quan hoặc nơi công cộng…

Vậy thì trong khi xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, cần xây dựng quy định rất cụ thể, chi tiết để xử lý nghiêm, xử lý có hiệu quả những sai phạm thì tính từ đó mới nâng được hiệu quả của Luật.

“Bản thân tôi rất kỳ vọng sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành sẽ giảm bớt ít nhất 50-60% hậu quả do tai nạn. Còn tuyệt đối hoá hiệu quả của Luật, thì chắc chắn rất khó, vì thói quen uống rượu, bia trong các buổi tụ tập, liên hoan vui vẻ đã hình thành từ rất lâu đời”, ông Phương chia sẻ.

Trả lời câu hỏi: “Chúng ta phải thực thi Luật như thế nào để giải quyết được tình trạng gây tai nạn do uống rượu, bia?”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: Luật đã ban hành thì trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, TP cần có văn bản triển khai về Luật. Đồng thời, hình thành một bộ máy về tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến tận người dân, từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, kiểm tra, rà soát và có những giải pháp tiếp nối để có trường hợp vi phạm thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, vi phạm ở nơi này thì nơi kia biết, vi phạm ở tỉnh này thì tỉnh kia biết, đã vi phạm thì không có bất cứ nơi nào cấp giấy phép lái xe, hoặc tuyển dụng những người lái xe đã vi phạm.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.