Không chỉ gói gọn trong những hoạt động tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể, mà vô số cá nhân cũng mạnh mẽ kêu gọi “Đã uống rượu bia, không lái xe” trên những trang mạng xã hội.
Ảnh minh họa |
Những cái chết tức tưởi do tài xế uống bia rượu, để lại những tiếng nấc nghẹn ngào và những tiếng thở dài căm phẫn. Dù chưa có con số thống kế đầy đủ, nhưng chỉ cần quan sát ở các bệnh viện thì cũng có thể thấy, những trường hợp tai nạn giao thông vì tài xế say xỉn đang rất khủng khiếp.
Cảnh sát giao thông cũng đã nỗ lực trong công tác phòng chống, nhưng không thể nào đo lượng cồn được hết thảy tài xế đang cầm lái. Khi phát hiện lái xe đã uống bia rượu, thì hiện nay chủ yếu xử lý dựa vào công cụ hành chính là phạt tiền. Sau khi nộp tiền thì tài xế lại tái phạm, với mức độ cao hơn. Do đó, cần phải có biện pháp nghiêm khắc hơn.
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT cho rằng: “Để ngăn chặn tình trạng uống rượu bia rồi lái xe, Nghị định 46 đang trong quá trình sửa đổi được đề xuất tăng mức phạt hành vi này từ mức tối đa 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, tôi rất ủng hộ phạt tù, tịch thu xe, lao động công ích với người vi phạm nồng độ cồn. Nhưng định hướng lâu dài cần sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự đồng bộ, đưa thêm các mức phạt tăng nặng, hình phạt bổ sung. Hiện đang trong quá trình tổng kết Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng hợp các cấp có thẩm quyền những nội dung cần sửa đổi”.
Phạt tiền hay phạt tù, cũng chỉ là biện pháp cuối cùng. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người cầm lái khi tham gia giao thông. Sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng hai phụ nữ ở hầm chui Kim Kiên, một tài xế khác ở Hà Nội là ông Phan Bá Mạnh đã viết tâm thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thỉnh cầu có hành động cụ thể trước thảm họa người cầm lái sử dụng rượu bia.
Tâm thư của ông Phan Bá Mạnh thống thiết: “Bản thân tôi cũng là một tài xế, tôi cũng như nhiều tài xế khác, ngày ngày vẫn lái ôtô đi làm và chiều chiều, tối tối lại về với gia đình. Tôi may mắn hơn hàng chục, thậm chí là hàng trăm bác tài khác sáng sớm chạy xe ra khỏi nhà nhưng đã không quay về với gia đình.
Những ngày này tôi đọc các vụ tai nạn giao thông chết người đăng trên báo khiến tôi bị ám ảnh. Tôi thấy ghê sợ những bác tài đã uống bia rượu say vẫn cầm lái phăng phăng trên phố. Họ không ai khác chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố. Họ có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường đi. Thần chết di động là họ.
Tôi, cũng như nhiều thanh niên khác, vẫn luôn tự nhủ bản thân trước khi đi nhậu sẽ không uống say, sẽ không lái xe đi trên đường để gây nguy hiểm cho người khác. Nhưng không! Bản thân tôi không ít lần lái xe trong tình trạng bản thân không kiểm soát được vì say rượu. Chỉ có ơn trên phù hộ, may mắn mới giúp tôi chưa gây tai họa cho người khác.
Và hằng ngày có hàng trăm, hàng nghìn người vẫn chìm trong những cơn say và không kiểm soát được bản thân khi lao lên xe, thậm chí giành giật lấy xe để phóng bạt mạng trên đường phố mà không biết mình đang đi đâu, làm gì.
Vì lẽ đó, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy đến cho bất cứ ai, tôi kính đề xuất tăng cường mức xử phạt áp dụng cho các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia vượt mức quy định cho phép điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phố. Nếu không mạnh tay ngăn chặn thì tôi tin rằng sẽ còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm hơn nữa, sẽ còn có những giọt nước mắt oán hận của những người thân trong các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra.
Với niềm tin mãnh liệt vào một Chính phủ hành động, tôi sớm mong nhận được tin vui và những chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu Chính phủ để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được những vụ tai nạn giao thông không đáng có. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế và xây dựng đất nước phát triển hơn”.
Nội dung tâm thư của tài xế Phan Bá Mạnh được rất nhiều người chia sẻ. Sự thật ấy chứng minh, ngay cả những người cầm lái cũng phản đối tình trạng lạm dụng rượu bia hiện nay ở nước ta.
Tuy nhiên, đáng day dứt hơn là không ít người vẫn xem bàn nhậu như chốn thi thố chứng tỏ bản lĩnh. Mời nhau uống, thách nhau uống, rồi ép nhau uống khi mà mỗi người đều tự lái xe đi về. Ma men bùng ra phố sau cuộc vui, thì chuyện buồn cũng ập đến, như một định mệnh trớ trêu. Vì vậy, không chỉ “có cồn, đừng dồn chân ga” mà có cồn thì đừng cầm lái để khỏi gây tội ác đáng kinh hãi cho chính mình và cộng đồng.