Ngày 22/4, lái xe Đỗ Xuân Tuyên sau khi uống 7 cốc bia, khi lái xe, không làm chủ được tay lái, khi muốn phanh đã đạp nhầm chân ga đâm chết một nữ công nhân vệ sinh và đâm bị thương nhiều người đang lưu thông bằng xe máy. Ngày 1/5, lái xe Lê Trung Hiếu, sau khi uống 6 chai bia, đã lái xe tông chết 2 phụ nữ trong hầm chui Kim Liên.
Hiện trường vụ tai nạn trong hầm chui Kim Liên |
Hai vụ TNGT này đã thực sự khiến cộng đồng “nổi sóng” vì bức xúc. Nhưng đó mới chỉ là hai vụ điển hình. Bởi trong hàng ngàn vụ TNGT xảy ra hàng năm, theo thống kê, có tới 40% số vụ TNGT khi xảy ra, thì người lái xe có nồng độ còn trong khí thở vượt ngưỡng cho phép.
Việc lái xe uống rượu bia trước khi lái xe, đã thực sự trở thành một vấn nạn đối với xã hội.
Uống rượu bia trước khi lái xe là tội ác. Gây TNGT dẫn đến chết người khi lái xe say rượu là tội giết người chứ không phải chỉ là tội vi phạm các quy định về giao thông đường bộ. Cần xử lí đặc biệt nghiêm khắc các trường hợp này. Hàng ngàn ý kiến đã xuất hiện trên cộng đồng mạng xã hội trong mấy ngày qua.
Mức xử phạt cao nhất đối với người lái xe có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép là 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 tháng. Nhưng mức xử phạt này dường như còn quá nhẹ, nên một số người vẫn cứ vô tư nốc rượu tì tì trước khi lái xe, và hậu quả là chỉ trong một tích tắc, đã biến thành kẻ giết người.
Ngay sau vụ TNGT ở hầm Kim Liên ngày 1/5, ngày 3/5 Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã tổ chức một cuộc tọa đàm bàn về biện pháp ngăn chặn lái xe uống rượu bia gây tai nạn. Tại cuộc tọa đàm này, đã có ý kiến đề xuất nên tăng mức phạt lên 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Nhưng, mức phạt đó liệu có ngăn chặn được không? Khi mà chẳng lái xe nào sau khi uống rượu bia lại nghĩ là mình say rượu hay say bia cả. Chỉ đến khi người đã chết, mới tỉnh ngộ ra rằng mình thực sự đã say. Vì vậy, cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa. Đó là chế tài hình sự.
Tại một số nước, việc người lái xe uống rượu trước khi lái xe đã được quy định thành một tội danh hình sự độc lập. Chưa cần gây tai nạn, hễ kiểm tra mà phát hiện trong khí thở có nồng độ cồn quá mức độ cho phép là đã bị xử lí hình sự, bị ra tòa và bị kết án bao nhiêu ngày tù rồi. Ngoài ra còn hình phạt bổ sung khác như tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe. Chúng ta rất nên học tập hình thức xử lí đó.
Bởi khi còn những người khật khưỡng say bước lên trước tay lái của xe, thì mỗi người tham gia giao thông còn là một nạn nhân dự bị.