| Hotline: 0983.970.780

Phấn đấu giảm 3,5% tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số mỗi năm

Thứ Bảy 19/10/2024 , 16:33 (GMT+7)

Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng một nửa so với mức bình quân của cả nước, hộ nghèo giảm 3,5%/năm.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV đề ra những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2024 - 2029. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV đề ra những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2024 - 2029. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngày 19/10, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, dân số 326.000 người, người dân tộc thiểu số chiếm 88% (gồm 6 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông Hoa, Sán chay).

Giai đoạn từ 2019 - 2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Tăng trưởng bình quân của tỉnh Bắc Kạn đạt 5,5%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng so với năm 2019.

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đáng kể nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến 2024 đã được đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. Đến nay có 4 tiêu chí đạt và vượt so với kế hoạch gồm: 85% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 92% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,5%.

Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: Ngọc Tú. 

Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: Ngọc Tú. 

Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ III năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được đảm bảo.

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đoàn kết, đổi mới, phát huy lợi thế, hội nhập và phát triển”, đại hội lần này đặt mục tiêu đến năm 2029, tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt từ 6 đến 6,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người dân tộc thiểu số bằng ít nhất ½ mức bình quân chung của cả nước; Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%; Phấn đấu 90% số trường, lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố đạt chuẩn; 100% thôn, bản có nhà văn hóa; dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề đạt 50%; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học, chuẩn hóa lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, được bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc theo các nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó, giai đoạn từ nay đến năm 2029, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát, ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 70%, có bản hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triền kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc làm tốt công tác dân tộc trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc làm tốt công tác dân tộc trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, nhấn mạnh, đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV là sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiệm vụ hết sức quan trọng là đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tập trung vận động, hỗ trợ đồng bào phát huy tiềm năng, thế mạnh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chuẩn bị tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, hợp lý về cơ cấu, nâng cao tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp.

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động và học tập.

Các đại biểu trải nghiệm sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Các đại biểu trải nghiệm sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín, người có tầm ảnh hưởng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong khuôn khổ đại hội, 5 cá nhân, 1 tập thể được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng bằng khen. UBND tỉnh Bắc Kạn tặng bằng khen cho 20 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.

Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.