Những ngày đầu tháng 10, trên cánh đồng xã Cư Lễ (huyện Na Rì) rộn rã tiếng cười nói của người dân đang thu hoạch dong riềng. Dọc theo tuyến Quốc lộ 3B đi qua xã tấp nập cảnh người đào củ dong, nhộn nhịp xe cộ của thương lái đến mua.
Có hơn 2.000m2 cây dong riềng ở ngay sát đường nhựa, chị Nông Thị Xuyến (xã Cư Lễ) đang tất bật thu hoạch củ dong. Sáng nay chị đã đào được một bao củ dong, bán được gần 200.000 đồng. Trời đã gần trưa, mặt trời đã ở trên đỉnh đầu, chị Xuyến vẫn chưa nghỉ tay.
“Mình tranh thủ đào được một bao nữa mới nghỉ, chiều nắng gắt nên sẽ ra đồng muộn. Bây giờ giá củ dong được 2.500 đồng/kg nên rất phấn khởi, tranh thủ thu hoạch, sợ vào chính vụ giá sẽ có biến động”, chị Xuyến tâm sự.
Chị Xuyến cho biết, năm nay thương lái đến mua củ dong tận ruộng, giá cao hơn năm ngoái 500 đồng/kg. Với giá này, người trồng dong riềng có lãi nên bà con rất phấn khởi. Thời điểm đầu vụ, ngoài bán cho các xưởng chế biến ở trong xã, có nhiều tư thương từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến mua.
Trên những cánh đồng ở xã Côn Minh, huyện Na Rì người dân cũng đã bắt đầu thu hoạch củ dong. Côn Minh là thủ phủ trồng dong riềng và chế biến miến dong của tỉnh Bắc Kạn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá thu mua củ dong cao nên người dân đang tập trung thu hoạch.
Ông Sằm Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết, năm nay người dân trong xã trồng được hơn 32ha dong riềng, diện tích giảm nhưng củ dong bán được giá cao hơn so với cùng thời điểm này năm trước. Thường mọi năm, khi vào chính vụ hoặc cuối vụ giá mua củ dong sẽ tăng dần. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 20 cơ sở chế biến miến, 8 cơ sở nghiền bột dong.
“Côn Minh là xã có số lượng cơ sở chế biến miến nhiều nhất của tỉnh, những năm gần đây, lượng củ dong thu hoạch trong xã không đủ cung cấp. Các chủ cơ sở phải thu mua thêm ở những xã lân cận để có bột làm miến phục vụ Tết Nguyên đán”, ông Thường thông tin.
Năm 2024, người dân tỉnh Bắc Kạn trồng hơn 400ha cây dong riềng, tập trung chủ yếu ở các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Ngân Sơn. Củ dong thường được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12.
Theo nhận định của nhiều thương lái, giá củ dong năm nay cao là do diện tích trồng ít hơn, sản lượng giảm. Hai năm gần đây, ngoài các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh, thương lái từ các tỉnh lân cận cũng sang Bắc Kạn mua củ dong.
Anh Nguyễn Văn Đạt, thương lái từ tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nhu cầu mua củ dong về làm miến khá lớn, nhiều cơ sở làm miến ở Cao Bằng cũng phải xuống Bắc Kạn mua củ dong. Bây giờ người trồng dong riềng ở Bắc Kạn thường liên kết với các xưởng chế biến trên địa bàn nên muốn mua nhiều cũng không có. Thời điểm Tết Nguyên đán sẽ tiêu thụ nhiều miến nên phải mua củ dong về nghiền bột ngay từ bây giờ để dự trữ.
Theo quy hoạch sản xuất, mỗi năm tỉnh Bắc Kạn trồng từ 800 đến 1.000ha cây dong riềng. Với diện tích này mới đủ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng đều không đạt kế hoạch, năm 2022 toàn tỉnh trồng được 445ha, năm 2023 được hơn 400ha và năm 2024 trồng được 410ha.
Khảo sát tại một số cơ sở nghiền bột dong và chế biến miến lớn tại Bắc Kạn cho thấy, hầu hết các cơ sở đã ký cam kết mua củ dong với người dân từ đầu vụ. Giá thu mua thấp nhất bằng với giá thị trường, nhiều cơ sở mua cao hơn từ 200 đồng đến 300 đồng/kg so với cam kết.
Bước vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, hiện các cơ sở làm miến đã chuẩn bị đầy đủ nhà xưởng, kho, sân bãi để thu mua củ dong riềng.
Dong riềng là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, củ dong là nguyên liệu để chế biến miến. Miến dong Bắc Kạn đã tạo được thương hiệu trên thị trường, sản phẩm bán rộng rãi ở các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì) hiện là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh Bắc Kạn.