| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế cần lồng ghép với phòng chống thiên tai

Thứ Ba 08/08/2023 , 15:01 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Lâm Đồng phát triển nông nghiệp giá trị cao lớn nhất cả nước nên chiến lược phát triển phải lồng ghép với phòng chống thiên tai.

Thiên tai gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng

Ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức kiểm tra tình hình sạt lở tại hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải qua) dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức kiểm tra tình hình sạt lở tại hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải qua) dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức kiểm tra tình hình sạt lở tại hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác đã nghe các đơn vị chức năng, tỉnh Lâm Đồng báo cáo chung về tình trạng sạt, trượt đất. Theo đó, tình trạng sạt lở đất tại hồ chứa nước Đông Thanh xảy ra từ đầu tháng 7. Việc sạt lở tại khu vực này đã làm hư hỏng nhà của một số hộ dân, hư hỏng tràn xả lũ và đường tránh ngập của dự án. Theo đó, có khoảng 9 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng với tổng cộng trên 5,3ha diện tích đất nông nghiệp. Trong số 9 hộ dân này có 4 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà cửa.

Ở công trình này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các chuyên gia và đoàn công tác cũng xem các mẫu đất đá từ mũi khoan để nắm bắt thông tin về kết cấu địa tầng. Các kết quả thăm dò, nghiên cứu địa chất tại khu vực cũng được các đơn vị chức năng, chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo chi tiết.

Một góc công trình hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Một góc công trình hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Trong ngày, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian qua, tình hình thiên tai, thời tiết trên địa bản tỉnh Lâm Đồng diễn biến rất phức tạp, mưa lớn liên tục và kéo dài làm nền đất yếu gây ra các vụ sạt lở đất, sạt trượt công trình xây dựng đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà và một số địa phương khác trong tỉnh. Thiên tai gây thiệt hại lớn về tính mạng người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo đó, từ đầu năm năm đến nay, địa phương xảy ra 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất... làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Thiên tai làm hư hỏng, thiệt hại 236 căn nhà, 336ha cây trồng, cuốn trôi gần 3 nghìn con gia cầm, gia súc và làm hư hỏng 7 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 230m đường giao thông… Mưa lũ gây ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bản thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, huyện Lâm Hà... Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 70 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa trái) cùng các chuyên gia, cơ quan chức năng nghe báo cáo về tình hình sạt lở tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa trái) cùng các chuyên gia, cơ quan chức năng nghe báo cáo về tình hình sạt lở tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Minh Hậu.

“Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7, lượng mưa nhiều, kéo dài. Riêng các ngày 29 - 30/7, lượng mưa tại đèo Bảo Lộc đạt 196m, một số địa điểm khác tại huyện Đạ Huoai, thành phố Bảo Lộc đạt từ 100mm đến 190mm... Điều này làm nền đất yếu, gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng”, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.

Hồ Đông Thanh sạt trượt không phải do mưa

Về vấn đề sạt trượt, sạt lở đất tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh, PGS.TS Nguyễn Châu Lân (chuyên gia trong đoàn công tác) nhận định khu vực xuất hiện 2 khung sạt trượt lớn. Ở những vị trí này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.

“Đoàn đã xem xét các mẫu khoan và nhìn chung có 2 khối trượt đang di chuyển, đặc biệt trên đỉnh đang trượt xuống khoảng 3m. Lượng mưa tại hồ này không lớn khi cả tháng 7 chỉ khoảng 200mm, do vậy lượng mưa không phải nguyên nhân chính gây sạt trượt”, ông Nguyễn Châu Lân nói và cho biết thêm, nguyên nhân chính dẫn đến sạt trượt ở công trình là dòng chảy ngầm tác động, làm đất bazan bên dưới bị ngấm nước dẫn đến mất ổn định. Hệ số an toàn tại khu vực bị mất, địa chất trượt khối đất khá sâu và lớn, do vậy, ông Lân đề nghị về việc mở rộng phạm vi thăm dò, xác định phạm vi khối trượt để thực hiện các biện pháp xử lý.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

PGS.TS Lê Văn Hùng cho rằng, địa chất ở 2 bờ đập có kết cấu khác nhau. Trong đó bờ đập bên phải có kết cấu đất sét nên yếu hơn so với bờ bên trái có kết cấu đất bazan. “Nước làm đất sét yếu dần và dẫn đến nguy cơ sạt trượt. Hơn nữa, tầng đá ở khu vực công trình chủ yếu là đá mồ côi và đây là loại đá không cứng chắc”, ông Hùng nói.

Về giải pháp cho vấn đề sạt trượt đất tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh, các chuyên gia đều cho rằng cần thực hiện theo phương thức “chống thù trong, giặc ngoài”. Theo đó, chống “giặc ngoài” là ngăn chặn các khe nước mặt đổ vào khung trượt và chống “thù trong” bằng cách tiêu nước ngầm ở chân và giữ áp lực cho đất. Đồng thời, tránh việc nhầm lẫn đá gốc với đá mồ côi để có phương hướng xây dựng hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Châu Lân nhận định về nguyên nhân sạt trượt tại hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Minh Hậu.

PGS.TS Nguyễn Châu Lân nhận định về nguyên nhân sạt trượt tại hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với công trình hồ chứa nước Đông Thanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sạt trượt tại đây không phải do mưa lớn mà do xuất phát từ việc hình thành các khung sạt trượt. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, khoan thăm dò trên diện rộng để nắm bắt tình hình sạt trượt. Trong đó bao gồm cả việc khoan thăm dò ở thượng lưu.

“Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để thực hiện các biện pháp khắc phục”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo. Đồng thời nhấn mạnh, Lâm Đồng phải rà soát lại công tác thi công trên công trường. Đồng thời thực hiện các biện pháp thoát nước mặt lẫn nước ngầm để tránh xảy ra tình trạng sạt trượt. Trong đó, việc thực hiện rãnh thoát nước ở khu vực hạ lưu cần phải làm ngay. Cùng với đó là Lâm Đồng cần bàn bạc với các đơn vị tư vấn, chuyên gia để xây dựng các điểm quan trắc trên thân đập cũng như thượng và hạ lưu công trình.

Hiện trường vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7 khiến 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân tử vong.

Hiện trường vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7 khiến 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân tử vong.

Về vấn đề sạt lở chung ở Lâm Đồng trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu địa phương này xác định rõ 163 điểm sạt lở và dùng ngân sách dự phòng địa phương để xử lý ngay. Việc xử lý các điểm này dựa trên tinh thần đảm bảo tính mạng người dân, đảm bảo an toàn cho tài sản.

“Trong trường hợp địa phương vướng mắc thì báo cáo lên Ban chỉ đạo để Ban báo lên Trung ương, đề xuất phương án xử lý”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh và cho biết, Lâm Đồng là địa phương phát triển nông nghiệp giá trị cao lớn nhất cả nước nên toàn bộ chiến lược phát triển phải lồng ghép với phòng chống thiên tai. Tỉnh sớm tổ chức hội nghị về vấn đề này để qua đó bàn giải pháp cho tình trạng sạt lở đất.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2015

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…