Mưa lớn làm kết cấu đất yếu, sạt lở
Chiều 4/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng các cơ quan tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 8/2023.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, 7 tháng đầu năm nay, địa bàn tỉnh xảy các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất. Trong đó có 10 trận mưa lớn, một trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy và 5 vụ sạt lở đất... làm 9 người chết, 4 người bị thương.
Mưa lũ cũng làm hư hỏng, thiệt hại trên 200 căn nhà và gần 300ha cây trồng, cuốn trôi cá và gần 3 nghìn con gia cầm, gia súc. Mưa lũ làm làm hư hỏng 6 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, gây sạt lở trên 200m đường giao thông, ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai..., ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 23 tỷ đồng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa trung bình từ 1.750 - 3.150mm/năm. Đây là lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Theo đánh giá, 7 tháng đầu năm 2023, lượng mưa tại địa phương đạt 1.219mm, trong đó lượng mưa tháng 6 đạt 349mm, tăng 54% và lượng mưa tháng 7 là 442mm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022.
“Trong tháng 6 - 7, lượng mưa ở Đà Lạt và Bảo Lộc rất cao, đạt từ 100 - 190mm đã làm nền đất bị yếu và gây sạt lở”, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng nói và cho biết thêm, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh khoảng trên 900 nghìn ha và địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200 - 1.500m so với mực nước biển. Các nhóm đất chủ yếu tại địa phương là đất đỏ bazzan, đất phù sa..., đất có độ dốc cao trên 25 độ chiếm đến 50%. Do kết cấu đất yếu nên khi xảy ra mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đất ở Lâm Đồng là rất cao.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, một số địa phương chưa kịp thời rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có ta luy âm/dương cao. Do vậy chưa chủ động trong cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Về vấn đề ứng phó các hình thái thiên tai, ông Ngô Văn Ninh, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, hiện nay các huyện, thành phố đã thành lập các tổ, đội nhằm tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt thông tin về ngập lụt, sạt lở. Đặc biệt tăng cường tuần tra, nắm bắt thông tin về sạt lở ở các vị trí đồi núi, đèo, dốc để nhanh chóng đưa ra các phương án ứng phó, xử lý.
Cũng theo ông Ngô Văn Ninh, hiện nay, nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ sạt lở đang được các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, đánh giá.
74 công trình thủy lợi mất an toàn
Đối với công tác đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kiểm tra công trình trước mùa mưa bão. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 74 công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau. Trong đó 13 công trình đã được phân bổ kinh phí hoặc đang thi công nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng, còn lại 61 công trình bị hư hỏng ở mức độ vừa và nhẹ, chưa có vốn sửa chữa. Đối với 61 công trình này, kinh phí dự kiến triển khai thực hiện khoảng trên 400 tỷ đồng.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2023”, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng nói.
Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh này tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các công trình và căn cứ mức độ hư hỏng, xuống cấp, tình trạng mất an toàn để chủ động bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Đồng thời chuẩn bị, tập kết đầy đủ trang thiết bị, vật tư dự phòng tại cụm công trình đầu mối hồ chứa để chủ động công tác ứng phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Ngành nông nghiệp địa phương cũng tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình, vận hành thử các cửa van, thiết bị xả lũ và nạo vét khơi thông dòng chảy sau tràn xả lũ, hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ tránh xảy ra tình trạng ngập úng, lụt cục bộ, sạt lở đất nhất là tại các khu vực dân cư. Bố trí, lắp đặt hệ thống thông tin, cảnh báo cho chính quyền, người dân ở hạ du về việc xả lũ của các hồ chứa.
Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thông tin: “Chúng tôi cũng rà soát xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và các kế hoạch ứng phó phù hợp với từng tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn công trình, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Chủ động theo dõi tình hình thời tiết, tổ chức trực ban nghiêm túc, hiệu quả, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn công trình có thể xảy ra”.
Đối với các công trình đang thi công, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn các công trình. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đảm bảo hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn.