Báo chí cần đi đầu trong chuyển đổi số
Sáng 13/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Hội nghị đã tập trung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam năm 2022 trong phát huy vai trò, vị trí của các cấp Hội theo Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Cũng như việc thực hiện Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Bộ tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam.
Đồng thời yêu cầu đổi mới công tác báo chí, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm, bài học rút ra, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; xây dựng chương trình hành động hướng đến kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, hội nghị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác truyền thông, báo chí.
Các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, cụ thể hóa thành những chương trình hành động thiết thực, hiệu quả nhằm không ngừng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nói về chuyển đổi số, theo ông Lê Quốc Minh, đây là xu thế tất yếu đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội hiện nay. Do đó, đối với báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
"Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”, cần phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh và cho biết thêm, trước bối cảnh này, Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo càng cần có sự đổi mới trong hoạt động công tác Hội và các hoạt động cốt lõi khác, để thực sự song hành, đoàn kết và phát triển cùng nền báo chí hiện đại.
Báo chí cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp
Tại hội nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội trong năm 2022 đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Trước những khó khăn, thách thức đang đối mặt hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng tiềm năng, phồn vinh thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới, kết thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Các cấp Hội cần định hướng các cơ quan báo chí cần bám sát thực hiện sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có tính chiến đấu, giá trị nhân văn sâu sắc, chất lượng chạm đến cảm xúc của công chúng. Từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận cho xã hội, không ngừng cổ vũ niềm tin của nhân dân vào Đảng và sự nghiệp đất nước.
Báo chí cũng cần thực hiện tốt vai trò vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, quán triệt Đại hội Đảng lần thứ XIII xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
“Các báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi như một chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, về ngoại giao, về kinh tế, về công nghệ, về chuyển đổi số… Đầu tư nhiều hình thức, thể hiện truyền tải đa dạng phong phú để trở thành món ăn tinh thần hằng ngày không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cho tất cả nhà quản lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ có trách nhiệm làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.
Đối với các Bộ ngành cần gắn bó với các cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Hội Nhà báo Việt Nam, ngôi nhà chúng của các nhà báo cả nước phải tiên phong trong bồi dưỡng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo hội viên, đồng thời thành lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp chấn chỉnh về công tác nghề nghiệp…