Sáng 24/2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 tại thành phố Quy Nhơn. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” và chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT-TT.
Dự và chủ trì diễn đàn có ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT; ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Diễn đàn còn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các diễn giả, nhà nghiên cứu uy tín trong cả nước.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 là dịp thuận lợi để các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí có cơ hội trao đổi, thảo luận, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế báo chí từ các cơ quan báo chí Trung ương, các địa phương trong thời kỳ kinh tế số phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, báo chí hiện nay đang gặp khó khăn về tài chính. Do vậy, kinh tế báo chí là vấn đề cấp thiết cần có lời giải để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt, giải được bài toán kinh tế báo chí cũng là giúp cho các cơ quan báo chí có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong điều kiện nguồn thu của báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay; nhiều cơ quan báo chí trong nước đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể. Truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.
Để gỡ nút thắt này, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng. “Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, đảm bảo nuôi sống cơ quan báo chí. Ngoài ra, cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng thêm với các đơn vị có nhu cầu về mặt truyền thông.
Khi tự chủ về mặt tài chính, cơ quan báo chí hoàn toàn có quyền, đặt ra quy chế tài chính cho chi tiêu nội bộ, đảm bảo chi trả đúng người, đúng việc, theo chất lượng. Tại diễn này này, tôi mong muốn các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế báo chí phát triển…”, ông Phạm Anh Tuấn phát biểu.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: “Kinh tế báo chí là vấn đề quan trọng, nhưng chưa được đề cập nhiều giữa bối cảnh doanh thu báo chí ở nhiều cơ quan báo chí trong nước sụt giảm mạnh, đang đối mặt với nhiều khó khăn. Diễn đàn này là cơ hội để đại diện các cơ quan báo chí chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí hiện nay mà nhiều cơ quan báo chí đang gặp phải”.
Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra 2 phiên thảo luận với 11 tham luận được các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu trình bày liên quan đến các vấn đề: Thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu còn đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí. Ví như chuyển đổi số báo chí nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn, tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội. Chuyển đổi số cũng gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới…