| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Ưu tiên giải quyết sinh kế cho người dân

Thứ Bảy 09/11/2024 , 19:22 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong giai đoạn tới cần phải ưu tiên hàng đầu việc giải quyết sinh kế, hỗ trợ thoát nghèo bền vững cho người dân.

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngày 9/11, tại tỉnh Gia Lai, Ban Chi đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025) và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II (2026 - 2030) khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đại diện các bộ, ngành, các đại biểu khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo báo cáo kết quả thực hiện giải ngân vốn được giao giai đoạn 2021 - 2024, tính đến thời điểm 30/9/2024, 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 12.900 tỷ đồng, tương đương trên 60%.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên mặc dù có tỷ lệ giải ngân chung cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các dự án có sự chênh lệch đáng kể.

Trong đó có những dự án giải ngân rất thấp, điển hình là Dự án 3 có tỷ lệ giải ngân thấp nhất với 29%. Tương tự, Dự án 9 có tỷ lệ giải ngân tương đối thấp với hơn 32%.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung vào những chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Tỉnh Kon Tum là địa phương thực hiện rất tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi. Ảnh: Tuấn Anh.

Tỉnh Kon Tum là địa phương thực hiện rất tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi. Ảnh: Tuấn Anh.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân do cơ chế còn nhiều vướng mắc. Nguồn thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao.

Trước những khó khăn trên, ông Quế thay mặt tỉnh Gia Lai đề xuất trung ương xem xét hoàn thiện các cơ chế, chính sách để địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Đồng thời, tiếp tục duy trì nguồn vốn, xây dựng cơ chế phân bổ vốn linh hoạt, ưu tiên theo nhu cầu của địa phương.

“Trung ương nên giao quyền phân bổ vốn chi tiết các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình cho cấp tỉnh thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế. Điều này tạo sự linh hoạt và trách nhiệm cho các cấp chính quyền địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn”, ông Quế chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận đề xuất tăng định mức thực hiện về các nội dung đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, mở rộng đối tượng là hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số. Đồng thời, bổ sung các quy định về sử dụng đất cho người dân. Ngoài ra, đề nghị tăng kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng bởi với mức 400.000 đồng/ha như hiện nay vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta đã ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia rất đúng và toàn diện, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm, hạ tầng cơ sở ngày càng phát triển…

Tuy nhiên, Chương trình Mục tiêu Quốc gia vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đây là chương trình mới nên những chính sách vẫn chưa sát với thực tế, chưa phù hợp và khó thực hiện.

Mặt khác, tỉ lệ giải ngân chương trình còn thấp, nguyên nhân do sự phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương còn trục trặc. Trong khi đó, xây dựng cơ sở hạ tầng khi triển khai cũng gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ngoài ra, nguồn nhân lực khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn thấp so với mặt bằng chung đang trở thành thách thức cho các địa phương.

“Những vấn đề về sinh kế, nhà ở, đất sản xuất cho người dân vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đây là vấn đề rất nan giải nên trong giai đoạn tới, cần phải ưu tiên hàng đầu việc giải quyết sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị các địa phương cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, rà soát các dự án đã và đang làm, lựa chọn những dự án thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững để thực hiện đầu tư.

Xem thêm
Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài 2] Xây dựng giá trị mới cho nông sản Mộc Châu

SƠN LA Mộc Châu xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, từ công nghệ cao đến tiêu thụ, gia tăng giá trị kinh tế, khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

3 dự án gia cố đê biển chậm triển khai, Nam Định thúc tiến độ

Nam Định yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nâng cấp, khắc phục hậu quả thiên tai đê hữu Hồng, đê biển trên địa bàn.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.