| Hotline: 0983.970.780

Lực cản Hà Tĩnh: [Bài 2] Chương trình mục tiêu quốc gia mà để tiểu tiêu chí cản trở

Thứ Ba 17/09/2024 , 08:45 (GMT+7)

Hà Tĩnh cho rằng, yêu cầu 'cứng và cao' của tiểu tiêu chí 18.1 đang làm chững mục tiêu quốc gia, triệt tiêu động lực xây dựng xã NTM nâng cao.

Người dân miền núi nhiều nơi ở Hà Tĩnh đang luận bàn về trình độ tham mưu chính sách cho các Chương trình MTQG, trong đó có chương trình xây dựng NTM. 

Chùn bước, chững phong trào

Xây dựng xã NTM nâng cao dù không bắt buộc, song theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) quan điểm chỉ đạo của Trung ương hơn chục năm nay đều nhấn mạnh “xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có kết thúc”. Đối với Hà Tĩnh, yêu cầu các địa phương không nợ tiêu chí. Do đó, sau khi đạt chuẩn NTM nếu không tiếp tục làm NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì phong trào sẽ chững lại.

Một số tiểu tiêu chí đặt ra chưa phù hợp thực tiễn đang triệt tiêu động lực xây dựng xã NTM nâng cao tại UBND xã Sơn Lĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Một số tiểu tiêu chí đặt ra chưa phù hợp thực tiễn đang triệt tiêu động lực xây dựng xã NTM nâng cao tại UBND xã Sơn Lĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

“Nỗ lực xây dựng NTM nâng cao mà không đạt chuẩn do tiểu tiêu chí 18.1 làm cho ý chí cán bộ, người dân chùn bước. Hay nói đúng hơn, tiêu chí này đang triệt tiêu động lực xây dựng xã NTM nâng cao”, ông Hưng nhấn mạnh.

Huyện Hương Sơn hiện có 23 đơn vị hành chính cấp xã. Để đảm bảo tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025 thì Hương Sơn phải đóng góp ít nhất 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên đến nay, mới có xã Sơn Trường và Sơn Kim 2 đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngặt nỗi, 2 xã này đánh giá theo quy định mới thì cũng đã “rớt” chuẩn do thiếu tiểu tiêu chí 18.1.

Để trợ lực cho các xã xây dựng NTM nâng cao, tỉnh Hà Tĩnh đầu tư 62 tỷ đồng, huyện đối ứng 15 tỷ xây dựng Nhà máy nước Khe Cò. Tuy nhiên, nhà máy này hoàn thành cũng chỉ đảm bảo được tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cho 2 xã Sơn Lễ và Sơn Tiến.

Đi qua huyện miền núi, chúng tôi xuôi về huyện đồng bằng ven biển - đơn vị từng rất mạnh về phong trào xây dựng NTM nhưng khi xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo tiêu chí mới, mức độ vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Cẩm Xuyên có phần hạn chế vì có nỗ lực đến mấy cũng khó đạt được theo quy định.

Một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên nói: “Nguồn lực tỉnh dành cho nội dung này (đầu tư công trình cấp nước tập trung) đang hạn chế, chủ yếu mới có nguồn của Trung ương, trong khi huyện không thể cân đối nên đạt được tiểu tiêu chí này rất khó”.

Chính quyền và người dân cho rằng, cần 'mềm hóa' tiểu tiêu chí 18.1 để tạo động lực, khích lệ hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục xây dựng phong trào đi lên. Ảnh: Thanh Nga.

Chính quyền và người dân cho rằng, cần “mềm hóa” tiểu tiêu chí 18.1 để tạo động lực, khích lệ hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục xây dựng phong trào đi lên. Ảnh: Thanh Nga.

Theo vị này, để đảm bảo huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, Cẩm Xuyên phải có 11/21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, đến nay mới có 5 xã đạt chuẩn, đặc biệt, xã Cẩm Lạc đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2010 - 2020 nhưng nay đã “rớt” chuẩn do không đảm bảo theo tiểu tiêu chí mới. Từ nay đến hết năm 2025, huyện phải có thêm 6 xã nữa đạt chuẩn NTM nâng cao mới đảm bảo tỉ lệ để trình thẩm định huyện NTM nâng cao.

Cán bộ hụt hẫng, người dân buồn rầu

Ghi nhận tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên cho thấy, xã này có 1.600 hộ dân thì có đến 1.350 hộ đã sử dụng máy lọc nước mini. Nguồn nước này được đào, khoan sâu từ 20 – 80m sau đó bơm lên các bể lọc thô cỡ lớn sử dụng tắm, giặt, riêng nước ăn uống được lọc qua các máy lọc nước mini.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung cho rằng, Trung ương cần “mềm hóa” tiểu tiêu chí 18.1, bởi nếu áp theo tiêu chí này, trong bối cảnh điều kiện ngân sách các cấp đang khó khăn, cần dồn nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hơn thì cấp xã gần như không thể về đích tiêu chí Chất lượng môi trường sống.

Trong trường hợp vẫn giữ tỷ lệ như hiện nay, các cấp cần đầu tư nguồn lực tương xứng để 'phủ' công trình cấp nước tập trung tại các địa phương. Ảnh: Thanh Nga.

Trong trường hợp vẫn giữ tỷ lệ như hiện nay, các cấp cần đầu tư nguồn lực tương xứng để “phủ” công trình cấp nước tập trung tại các địa phương. Ảnh: Thanh Nga.

“Để động viên, khích lệ Đảng bộ, nhân dân các xã xây dựng NTM nâng cao thì chỉ cần thực hiện các xét nghiệm người dân sử dụng nước sạch đảm bảo theo tiêu chuẩn của nhà nước là được, không nhất thiết phải dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung”, ông Tiến bày tỏ.

Đồng thời khẳng định, nếu có công trình cấp nước tập trung, người dân Cẩm Trung sẵn lòng bỏ 3 - 5 triệu đồng/hộ đấu nối đường ống sử dụng. Tuy nhiên, khi nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư thì cần phải xây dựng mục tiêu sát thực tế, đảm bảo tính khả thi, tránh làm chùn bước, giảm khí thế xây dựng phong trào NTM của nhân dân.

Không ít người dân Cẩm Trung sau khi hay tin xã không được thẩm định đạt chuẩn xã NTM nâng cao vì lý do chưa hoàn thành tiểu tiêu chí 18.1, đã bày tỏ hụt hẫng, nuối tiếc trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri.

Còn tại xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, vì chưa hoàn thành tỷ lệ 55% hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nên đến nay, chính quyền cấp xã đang “nợ” người dân một số chính sách hỗ trợ như: mở rộng lề đường; di dời chuồng trại chăn nuôi; đập phá nhà vệ sinh 1, 2 ngăn để xây dựng nhà vệ sinh tự hoại…

Anh Phạm Hùng Toán, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Sơn Lĩnh trải lòng, sau khi được huyện Hương Sơn lựa chọn phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào cuối năm 2022, xã đã xây dựng, ban hành một số chính sách kích cầu nhân dân vào cuộc. Suốt quá thình thực hiện bà con rất phấn khởi, hồ hởi. Tuy nhiên, khi các sở ngành thẩm định, đánh giá kết luận xã chưa đạt chuẩn do còn thiếu tiểu tiêu chí 18.1, chính quyền và nhân dân rất buồn, hụt hẫng.

“Trước khi ban hành chính sách chúng tôi kỳ vọng sẽ lấy tiền thưởng xã đạt chuẩn NTM nâng cao (1,5 tỷ đồng) để hỗ trợ công trình cho bà con. Tuy nhiên đến nay chưa đạt được nên còn nợ bà con phần kinh phí này”, ông Toán buồn bã nói.

Phó Chủ tịch phụ trách xã Sơn Lĩnh cho rằng, tiểu tiêu chí 18.1 không phù hợp với các xã miền núi, bởi nguồn nước từ bao đời nay ông cha sử dụng rất đảm bảo. Đặc biệt, hiện nay 70% số hộ dân trên địa bàn xã đã sử dụng máy mini để lọc nước. Vì vậy kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Trung ương xem xét điều chỉnh tiểu tiêu chí này theo hướng đặc thù, nhất là xã miền núi. Nếu để tỷ lệ cao như hiện nay, mục tiêu đặt ra nhưng làm mãi không đạt chuẩn thì dân buồn, cán bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo cũng gặp khó khăn.

Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, nhất là tại miền núi, các doanh nghiệp không mặn mà vì hiệu quả đầu tư thấp. Ảnh: Thanh Nga.

Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, nhất là tại miền núi, các doanh nghiệp không mặn mà vì hiệu quả đầu tư thấp. Ảnh: Thanh Nga.

Đặt giả thuyết kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung tại Sơn Lĩnh, chắc chắn tính khả thi không cao. Bởi bỏ ra 30 - 40 tỷ đồng xây dựng nhà máy xong, nhu cầu dùng nước của bà con cũng khó đảm bảo hiệu quả để doanh nghiệp nuôi bộ máy, duy tu bảo dưỡng đường ống hàng năm.

“Xã Sơn Lĩnh có 844 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn, để đạt chuẩn theo yêu cầu thì phải có ít nhất 464 hộ dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Trường hợp bây giờ có nhà máy nước sạch nếu vận động nhân dân sử dụng thì cũng chỉ cán bộ, đảng viên chấp hành theo chủ trương với tỷ lệ tối đa khoảng 5 - 10%”, ông Toán phân tích thực trạng.  

"Đặt mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trong bộ tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng sống là đúng. Song, trong bối cảnh sức huyện, sức dân hạn chế thì Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh cần phải dành sự quan tâm, đầu tư tương xứng, có như thế tiểu tiêu chí này mới có tính khả thi”, nguyên cán bộ Văn phòng xây dựng NTM Hà Tĩnh nhìn nhận. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.