Sau hơn 200 năm thất truyền, mới đây đề tài nghiên cứu công nghệ phục chế pháp lam Huế do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên-Huế là chủ đầu tư đã thành công và đưa vào sản xuất phục vụ cho việc trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế. Sản phẩm pháp lam.
Tại cơ sở sản xuất gốm cổ Huế (thuộc Công ty Xây lắp Thừa Thiên-Huế), kỹ sư Trần Đình Hiệp cho biết pháp lam Huế đã thất truyền kể từ sau thời kỳ Minh Mạng, và từ bấy đến giờ vẫn chưa có ai nghiên cứu pháp lam (đồ đồng tráng men) theo một tiêu chí rõ ràng.
Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành sillicat, lại có niềm đam mê nghiên cứu pháp lam, anh bắt đầu mày mò nghiên cứu bằng việc tiếp cận các hiện vật pháp lam nguyên gốc hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Anh tìm hiểu người xưa đã dùng loại đồng gì, nhiệt độ biến dạng của đồng ra sao, rồi từ đây chọn phương pháp để tính toán loại men thích hợp...
Anh Hiệp cho biết anh đã sang tận Trung Quốc mang các sản phẩm bằng pháp lam về nghiên cứu, thậm chí phá hỏng nó đi rồi nung lên để so sánh độ dày - mỏng của đồng, hay nhiệt độ nung... để từ đây anh tìm ra bản chất của pháp lam.
Điển hình của thành công phục chế pháp lam đã góp phần trùng tu tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ). Ngôi tháp có chiều cao 22,83m gồm 7 tầng tháp; trên tháp có 21 con giao ngũ sắc bằng pháp lam gắn vào đầu bờ quyết của tháp. Theo đánh giá của giới chuyên môn, chất lượng các con giao ngũ sắc được phục chế để trùng tu ở đây đạt chất lượng 85% so với hiện vật gốc.
Pháp lam Huế được du nhập từ Trung Quốc, khi được đưa sang Việt Nam đều ở dưới dạng sản phẩm, không có công nghệ sản xuất hoàn chỉnh. Nói cách khác, đó là chỉ chuyển giao những cái bên ngoài còn vấn đề chế men màu thì không chuyển hết những bí truyền công nghệ.
Qua nghiên cứu, anh Hiệp cho biết, pháp lam thường dùng các màu vàng, lục, xanh, đỏ, đen, nâu. Đây là màu gốc kim loại phổ biến của men. Ngoài ra, theo qui luật phối màu của hội họa, pháp lam còn có sự phối màu qua lại như màu xanh ngọc là phối trộn giữa màu lục và màu vàng...
Mỹ thuật trang trí pháp lam không phải là nét vẽ của những người họa sĩ, mà là nét vẽ của những người thợ lành nghề, họ vẽ theo một sự thống nhất của cả một dây chuyền làm việc. Việc tạo dáng cũng vậy, tất cả đều do tay nghề của người thợ chứ không dựa vào men.
Hiện xí nghiệp gốm cổ Huế, nơi anh Hiệp đang công tác vừa hoàn thành một hợp đồng cung cấp 150 tấm pháp lam Huế cỡ lớn (600mm x 800mm) sang Kansas - Mỹ.
Sắp tới pháp lam cùng với gốm sứ và sơn mài là các nghề được tôn vinh trong Festival nghề truyền thống Huế 2009. Theo anh Hiệp, để khơi nguồn cảm hứng cho du khách khi họ muốn tìm hiểu về pháp lam, xí nghiệp gốm cổ Huế của anh sẽ tạo điều kiện cho du khách có thể tự tay vẽ lên pháp lam những sản phẩm họ yêu thích. Đồng thời, du khách trong và ngoài nước có thể giao lưu với các nghệ nhân bằng việc cùng tham gia chế tác pháp lam với nghệ nhân.
(Theo TTXVN)