| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 02/10/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 02/10/2018

Phương án tối ưu cho BOT Cai Lậy?

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3-2018, vừa diễn ra cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã chốt lại phương án xử lý dứt điểm rắc rối ở trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Trạm BOT Cai Lậy

Cụ thể, trong 5 phương án mà Bộ GTVT đưa ra ban đầu, thì bây giờ tập trung phân tích để chọn một trong hai phương án được cho là khả thi hơn hết. Phương án 1, giữ nguyên trạm thu phí qua khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy, và giảm giá cho tất cả các phương tiện lưu thông. Phương án 2, xây thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy, và thu phí cả hai trạm với mức giá như trước đây.

Hai phương án mà Bộ GTVT đang hướng đến, cũng tương đồng với hai phương án mà UBND tỉnh Tiền Giang gửi văn bản đề xuất vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang nghiêng theo phương án 2 và cho rằng việc thực hiện thuận lợi hơn. Nếu áp dụng phương án 2, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GTVT phải xác định và cam kết thời gian chính xác hoàn thành trạm thu phí tuyến tránh để thông báo rộng rãi cho người dân được biết.

BOT Cai Lậy từng là điểm nóng cách đây 1 năm. Khi bắt đầu thu phí vào tháng 8-2017, người tham gia giao thông đã phản ứng gay gắt vì sự hiện diện phi lý của trạm thu phí này, khiến nhiều ngày liên tục gây ách tắc giao thông và xáo trộn đời sống cư dân trong vùng. Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh tạm dừng thu phí cho đến nay, và yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang nhằm tìm ra giải pháp hợp lý nhất để hài hoà lợi ích giữa cộng đồng và doanh nghiệp! Sau hơn 1 năm, hai phương án mà Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Tiền Giang gút lại, vẫn chưa có gì thuyết phục được dư luận.

Mục đích của dự án BOT Cai Lậy là xây dựng tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy dài 12,1 km, giảm bớt áp lực lượng xe lưu thông qua đô thị nhỏ kia. Thế nhưng, trong tổng vốn đầu tư 1398 tỷ đồng, những người thực hiện dự án đã nhanh tay bổ sung vào hạng mục cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang và 11,1 km qua qua thị xã Cai Lậy, đồng thời có… sửa chữa 14 cây cầu. Rõ ràng, đây là chiêu thức “vẽ rắn thêm chân” nhằm hợp thức hoá việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 ngay trung tâm thị xã Cai Lậy.

Về nguyên tắc, BOT phải làm tuyến đường mới, chứ không phải chỉnh trang tuyến đường cũ. Và người dân chỉ trả tiền cho tuyến đường mới mà họ được sử dụng. Quá trình phê duyệt, giám sát và thi công dự án BOT Cai Lậy đã phát sinh nhiều khuất tất kiểu ranh ma, khiến phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy phải trả tiền cho tuyến tránh cách rất xa trạm thu phí. Hai phương án mà Bộ GTVT chốt hạ, thực chất chỉ giống như một thao tác kỹ thuật hòng xoa dịu bức xúc của người dân và… giữ nguyên quyền lợi đầy khiên cưỡng của nhà đầu tư. Muốn có phương án tối ưu cho BOT Cai Lậy, đầu tiên cần xác định kẻ nào đã lạm dụng chủ trương đúng đắn của Chính phủ để gây ra hậu quả ê chề, thì phải bắt kẻ ấy chịu trách nhiệm trước xã hội!