Thuế thu nhập cá nhân được mặc định là một nguồn nộp thuế quan trọng của ngân sách. Vì vậy, những ngày đầu xuân Ất Tỵ, khi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định tờ trình Chính phủ để xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, đã thu hút đông đảo sự chú ý trong cộng đồng. Bởi lẽ, Luật Thuế thu nhập cá nhân áp dựng từ năm 2009 thực sự không còn phù hợp với đời sống hôm nay.
Không người dân nào không ủng hộ thuế thu nhập cá nhân, nhưng không ai hài lòng khi Luật Thuế thu nhập cá nhân bộc lộ quá nhiều bất cập. Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực thì mức lương cơ sở là 650 nghìn đồng/ tháng. 16 năm qua, mức lương cơ sở đã thay đổi tổng cộng 10 lần, nhưng Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn bình chân như vại với 7 bậc tính thuế từ thu nhập hàng tháng. Chỉ cần nhìn vào mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/ tháng, rõ ràng sẽ thấy sự lạc hậu của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Vì sao mức lương cơ sở đã tăng 3,6 lần mà thu nhập tính thuế vẫn giữ nguyên? Trách nhiệm đầu tiên thuộc về công tác tham mưu của ngành thuế đã không quan tâm đến tính công bằng xã hội và lợi ích chính đáng cho người nộp thuế. Dù Luật Thuế thu nhập cá nhân có chút sửa đổi về mức giảm trừ vào năm 2012, thì một điều khoản vẫn ít được chú ý, đó là “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Căn cứ chỉ số giá tiêu dùng thời điểm đầu năm 2025, không thể không băn khoăn về mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, mức cao nhất trong biểu thuế lũy tiến là thuế suất 35% đối với thu nhập 80 triệu đồng/ tháng, cũng cần được cân nhắc.
Bộ Tài chính quyết định soạn thảo văn bản pháp lý để thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân, là một hành động đáng hoan nghênh và phải sớm triển khai. Thuế thu nhập cá nhân phải được vận hành như Thuế thu nhập doanh nghiệp, về tỉ lệ thuế suất lẫn các khoản khấu trừ chi phí hợp lý. Mặt khác, nên phân định mức thuế cụ thể giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị. Bởi lẽ, ở các thành phố lớn, thu nhập dưới 15 triệu đồng thì mỗi cá nhân rất chật vật trong chi tiêu sinh hoạt, chứ đừng nói đến chia sẻ trợ giúp người phụ thuộc.
Khi người Việt Nam bày tỏ khát vọng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì đòi hỏi Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng có sự đồng hành thiện chí. Nếu mức chịu thuế chỉ tính cơm ăn áo mặc thì trình độ và năng lực mỗi cá nhân làm sao được nâng lên tương xứng với quá trình phát triển đất nước? Ít nhất, thuế thu nhập cá nhân phải căn cứ vào mức lương cơ sở (hoặc mức lương tối thiểu vùng) và mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người.