Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo và kiến nghị QH xem xét sửa đổi. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở hội trường vẫn còn các ý kiến khác nhau.
Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc QH cần ra một Nghị quyết để giải quyết tồn tại cho Điều 60 Luật BHXH theo hướng tiếp tục kéo dài việc áp dụng điểm c, khoản 1 Điều 55 của Luật BHXH (năm 2006), đồng thời giao Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH nghiên cứu đánh giá tác động Điều 60 của Luật BHXH (năm 2014) làm căn cứ cho QH quyết định trong thời gian sớm nhất.
Các ĐBQH cho rằng, quy định của Điều 60 có tính nhân văn nhằm hướng tới toàn dân tham gia bảo hiểm và đảm bảo đời sống người lao động khi về già. Lúc đó, họ có đồng lương hưu, không còn gánh nặng cho gia đình và xã hội, chứ lĩnh một lần chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt.
Vì thế, có ý kiến cho rằng, chưa nên sửa Điều 60 vì đó chỉ mới là ý kiến của số ít. Hơn nữa, rất khó để một dự luật ban hành đáp ứng được 100% nguyện vọng của nhân dân. Đây là quan điểm của ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương).
Không đồng tình với quan điểm này, các ĐB Trương Trọng Nghĩa và Chu Sơn Hà lên tiếng về quyền con người được quy định trong Hiến pháp.
ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) dẫn khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp để khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó luật ban hành không chỉ bảo vệ số đông mà còn phải bảo vệ cả số ít.
Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, sở dĩ người lao động phản ứng là vì điều luật này đúng nhưng chưa đủ. Người lao động phản ứng vì luật đã tước bỏ quyền lựa chọn của họ.
Dĩ nhiên chúng ta không chấp nhận sự phản đối của những thiểu số mà nó là đối tượng của luật ví như người đánh bạc chống lại luật cấm đánh bạc, người nghiện ma túy chống lại luật cấm buôn bán ma túy. Nhưng rõ ràng phản ứng của Điều 60 là do luật tước bỏ đi cái quyền lựa chọn đó của họ.
Lật lại vấn đề Điều 60 là nhân văn, là đúng đắn thì sao lại có sự phản ứng quyết liệt của hàng ngàn công nhân và buộc hôm nay QH phải lên tiếng, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu câu hỏi: “Liệu ở đây có phải vỡ quỹ bảo hiểm không? Có phải người lao động lĩnh một lần ngày càng tăng lên không? Để rồi chúng ta dùng chính sách pháp luật áp đặt bắt người dân không được hưởng một lần như thế nữa?”.