Chiều 23/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành công thương, lãnh đạo Bộ Công Thương công bố kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 dự kiến đạt 783 tỷ USD, lập kỷ lục mới và vượt hơn 100 tỷ USD so với năm 2023.
Trong năm 2024, ước kim ngạch xuất khẩu đạt 403 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á, trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mốc 60 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Võ Văn Hưng, thành tích này có sự đóng góp quan trọng của Bộ Công Thương với vai trò tiên phong trong việc đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới thông qua những phương thức sáng tạo và tiếp cận khách hàng mới trên nhiều châu lục.
“Bộ Công Thương không chỉ đảm bảo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là những chuyên gia hàng đầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam ngày càng sâu rộng”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng khẳng định.
Với kết quả trên, Việt Nam đã vươn lên thứ 23 thế giới và thứ 2 trong ASEAN về kim ngạch thương mại, trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của 3 Trung tâm kinh tế hàng đầu là: Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng cho nguồn lực tài chính tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết: Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng, toàn diện của ngành công thương trên cả 2 nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời kiến tạo, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục ở mức 8,4%, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo tăng gần 10%. Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60/63 địa phương), nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực.
Một điểm sáng nữa của ngành là tiếp tục lập kỷ lục mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng gần 14%, vượt xa so với mục tiêu đề ra (6%).
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Thành tích trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục triệu người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
"Hơn lúc nào hết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành công thương cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dẫn dắt, thúc đẩy, ngành công thương phát triển", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi ngành công thương khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.