
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng 18/2. Ảnh: Phạm Thắng.
Hôm nay, ngày 18/2/2025, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ sáu tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Theo chương trình, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội sẽ họp riêng về: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Công tác nhân sự.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); nội dung về công tác nhân sự.
Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm: Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết nêu trên. Buổi chiều, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.
Trước đó, trong chiều 17/2 Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với 100% đại biểu bỏ phiếu tán thành.
Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều 17/2. Luật được thông qua với 461/461 đại biểu (96,44% tổng số đại biểu Quốc hội) biểu quyết tán thành.
Trong đó, luật được thông qua không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay điều này để phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong số 10 cơ quan của Quốc hội hiện nay, có tới 8 cơ quan chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và có hai cơ quan mới của Quốc hội được thành lập.
Do đó, việc quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
"Thực tế cho thấy quy mô và khối lượng công việc của các cơ quan chưa thực sự đồng đều, còn có sự chênh lệch lớn giữa các cơ quan thực hiện và không thực hiện sắp xếp", ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, bảo đảm thận trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của luật.