
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.
Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều 17/2. Luật được thông qua với 461/461 đại biểu (96,44% tổng số đại biểu Quốc hội) biểu quyết tán thành.
Trong đó, luật được thông qua không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay điều này để phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong số 10 cơ quan của Quốc hội hiện nay, có tới 8 cơ quan chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và có hai cơ quan mới của Quốc hội được thành lập.
Do đó, việc quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
"Thực tế cho thấy quy mô và khối lượng công việc của các cơ quan chưa thực sự đồng đều, còn có sự chênh lệch lớn giữa các cơ quan thực hiện và không thực hiện sắp xếp", ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, bảo đảm thận trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.
2 trường hợp tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội
Luật cũng quy định về việc đại biểu trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và được khôi phục lại các lợi ích hợp pháp khi có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không bị xử lý kỷ luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 39 Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp:
Thứ nhất, khi đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can. Thứ hai, trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội đó.
Điều luật cũng quy định đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
"Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật", điều luật quy định.
Sửa "kỳ họp bất thường" thành "kỳ họp không thường lệ"
Một nội dung đáng chú ý, Luật vừa được Quốc hội thông qua đã thay cụm từ "Kỳ họp bất thường" thành "Kỳ họp không thường lệ" tại các điều luật có liên quan, theo đề xuất của các đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, Luật quy định Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.