| Hotline: 0983.970.780

Cty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum:

Quyền lợi doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích người dân

Thứ Sáu 06/04/2018 , 14:50 (GMT+7)

Sáng 5/4, tại Cty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã có buổi làm việc, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn trong lĩnh vực đất đai...

Hoàn thành trong khó khăn

Cty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum (gọi tắt là Cty), thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện đang quản lý 9.835,75ha cao su, trải dài trên 8 huyện - thành phố của tỉnh Kon Tum. Diện tích trên được quản lý dưới 3 mô hình: Cao su đại điền 4.925,30ha, cao su nhận khoán 3.347ha và mô hình cao su liên kết 1.563,51ha.

15-46-33_thu_truong_h_cong_tun_ti_buoi_lm_viec
Thứ trưởng Hà Công Tuấn tại buổi làm việc

Với 3 mô hình trên, Cty đã giải quyết việc làm cho 6.484 hộ dân và người lao động, đặc biệt trong số đó có đến 71% là người dân tộc thiểu số. Về việc này, Tổng Giám đốc Cty - ông Lê Khả Liễm, cho biết: Số lao dộng là người dân tộc thiểu số sẽ tăng do sắp tới, số lao động người Kinh nghỉ hưu, nghỉ chế độ, Cty sẽ ưu tiên tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số.

Những năm gần đây, mặc dù ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp, nhưng công tác sản xuất kinh doanh của Cty vẫn không ngừng tăng trưởng: Từ đơn vị có năng suất bình quân dưới 1,5 tấn/ha, sản lượng khai thác dưới 10.000 tấn vào năm 2011 thì đến nay, năng suất vườn cây của Cty đạt mức 2 tấn/ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm. Nhiều năm liền, Cty về đích trước thời gian 30 - 50 ngày... Nếu năm 2015, thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt 7.277.597 đồng/tháng thì năm 2015 là 8.070.553 đồng và năm 2017 là 9.025.427 đồng. Có những năm, Cty nộp ngân sách Nhà nước trên 100 tỷ đồng...

Trước những khó khăn của ngành cao su trong thời gian qua, Cty vẫn đạt được những thành tích như trên, là một nỗ lực lớn.
 

Khó nhất là vấn đề đất đai

Ông Lê Khả Liễm cho biết: "Khó khăn về thị trường còn có thể tìm cách tháo gỡ, nhưng vướng về vấn đề đất đai là vô cùng khó". Đã có không ít lần, người dân bị kẻ xấu xúi giục, tập trung đông người đưa ra những đòi hỏi vô lý về đất đai. Cụ thể vào ngày 30/6/2017, nhiều người dân thuộc 2 thôn Plei Sar và Lâm Tùng (xã Ia Chim, TP.Kon Tum) đã tụ tập đông người, đòi lại đất vốn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tại đây, người dân đã tự ý giăng dây, cắm cọc, chia lô và dựng lều canh giữ, yêu cầu Cty trả lại đất cho dân.

Mặc dù đã được giải thích cụ thể và rõ ràng, nhưng không ít người dân các thôn nói trên, không những không tháo dỡ lều bạt mà còn tổ chức canh giữ, chiếm đất trái phép, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Đến ngày 24/7, nhiều người dân vẫn dựng lều, lấn chiếm diện tích đất nói trên. Lực lượng chức năng của xã Ia Chim, cùng với bảo vệ Nông trường đã tiến hành tháo dỡ lều cọc dựng trái phép. Tuy nhiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng này đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía người dân, thậm chí có trường hợp người dân manh động hành hung lực lượng chức năng. Trước tình hình trên, TP.Kon Tum đã sử dụng lực lượng dự phòng, công cụ hỗ trợ để giải tán đám đông, vận động người dân tự giác tháo dỡ lều bạt, cọc phân chia đất trái phép, không được tụ tập đông người. Đến tối ngày 24/7, người dân đã tự giác tháo dỡ các lều bạt nói trên.

Tại cuộc họp báo ngày 27/7/2017, ông Bùi Thanh Bình - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum thông tin: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có một số diện tích cây cao su của Cty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum đã hết chu kỳ khai thác, đang thực hiện tái canh hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cây trồng khác, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, có 209,8 ha cao su được trồng năm 1985, thuộc Nông trường Cao su Ia Chim (thuộc Cty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum) tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim (TP.Kon Tum). Trong khi diện tích này đang được chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bàn bạc để tiến hành canh tác thì ngày 30/6, nhiều người dân hai thôn Plei Sar, Lâm Tùng (xã Ia Chim) đã tự ý tiến hành giăng dây, cắm cọc, chia lô và dựng lều canh giữ, yêu cầu Cty trả lại đất cho dân.

Ông Bình nhấn mạnh: "Đây là đòi hỏi vô lý vì diện tích trên đang được Nhà nước quản lý!".

Vụ việc đã được UBND tỉnh Kon Tum kịp thời chỉ đạo TP.Kon Tum và các ngành chức năng tiến hành tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành pháp luật, không được lấn chiếm đất đai, tự giác tháo dỡ lều bạt dựng trái phép; hướng dẫn các hộ dân thiếu đất sản xuất làm đơn gửi cơ quan chức năng để xem xét giải quyết... Nhờ vậy, tỉnh hình đã lắng dịu. Tuy nhiên, nỗi lo về vấn đề tranh chấp đất đai luôn là nỗi lo lớn - không chỉ với Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum.

Làm việc với Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum sáng 5/4, Thứ trưởng Hà Công Tuấn hoan nghênh Cty đã nỗ lực vượt khó, doanh thu cao, đảm bảo đời sống cho người lao động, đóng ngân sách tốt, số lao động là người dân tộc thiểu số cao...

Về vụ đất đai ở xã Ia Chim, Thứ trưởng cho biết: Tỉnh đã có quyết định giao đất này lại cho Cty thực hiện tái canh. Cty và địa phương cần làm tốt việc vận động bà con. Nông trường Ia Chim phải gắn với bà con, giải thích cho bà con hiểu chủ trương của Nhà nước, của tỉnh.

Thứ trưởng dặn dò: Tái canh, dứt khoát không để xảy ra việc xung đột, dẫn đến phức tạp tình hình. Nếu có nhu cầu giải quyết đất cho bà con (đất làm nhà ở, xây dựng công trình phúc lợi...), Cty nên sắn sàng nhường đất, bởi mục đích cuối cùng là quyền lợi của doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích của người dân!

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.