Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có 4 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động tại Trung tâm điện lực Duyên Hải. Bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Duyên Hải 1; NMNĐ Duyên Hải 2; NMNĐ Duyên Hải 3 và NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng.
Trong đó, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đang quản lý, vận hành 3 NMNĐ là Duyên Hải 1, NMNĐ Duyên Hải 3 và NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, tính đến quý 1/2024, tổng lượng tro xỉ trong các bãi chứa của Trung tâm điện lực Duyên Hải trên 4,2 triệu tấn. Gần 91% lượng tro xỉ bị tồn thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, tương đương khoảng 3,82 triệu tấn. Trong khi đây là nguồn vật liệu thay thế quan trọng phục vụ san lấp cho các dự án hạ tầng ở ĐBSCL trước bối cảnh khan hiếm cát.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2024, khối lượng tro xỉ tồn đọng lên tới 3,9 triệu tấn.
Nói về nguyên nhân, theo ông Thảo, đơn vị và doanh nghiệp tiêu thụ tro xỉ, cả cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đang gặp khó khi triển khai thực hiện Quyết định 216/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, ban hành chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp.
Cụ thể, tại mục 9.3 An toàn bức xạ của quyết định này, yêu cầu kiểm soát các chỉ số hoạt động phóng xạ, nồng độ hoạt độ phóng xạ và nồng độ khí radon (Ra) khi thi công khối san lấp. Tùy thuộc mục đích san lấp mà có các yêu cầu về ngưỡng bức xạ khác nhau tham khảo TCVN 12249:2018 Tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung.
Tiếp theo ở mục 10.2 yêu cầu, trước khi san lấp phải tiến hành phân tích nước và phóng xạ của khu vực san lấp và thu thập các tài liệu liên quan.
Theo ông Thảo, những hướng dẫn này chưa làm rõ được vấn đề kiểm soát phóng xạ như thế nào, thời điểm và số lần thử nghiệm ra sao trong quá trình thi công?
Trong khi đó, các sản phẩm tro, xỉ của các NMNĐ Duyên Hải hàng năm đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) duy trì đánh giá, lấy mẫu thử nghiệm (từ năm 2019 - 2024) và đều đạt các chỉ tiêu về: Chỉ số hoạt động phóng xạ, độ chặt tiêu chuẩn, thành phần nước hỗn hợp tro xỉ…
Đồng thời, Công ty đã được cấp chứng nhận: Hợp chuẩn hợp tro, xỉ tại bãi làm vật liệu san lấp theo TCVN 12249:2018 và Hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng theo QCVN 16:2023/BXD của Bộ Xây dựng.
Do đó, ông Thảo kiến nghị Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể về cách kiểm soát các yếu tố đã được đưa ra tại Quyết định 216/QĐ-BXD để tạo điều kiện trong việc sử dụng tro xỉ phát sinh từ NMNĐ làm vật liệu san lấp.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó ngày 26/6/2024, UBND tỉnh Trà Vinh đã có báo cáo về tình hình quản lý, tiêu thụ tro xỉ của các NMNĐ trên địa bàn. Trong đó, cũng đề cập đến những khó khăn trong việc đưa tro xỉ vào san lấp các công trình xây dựng do vướng phải Quyết định 216/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.
Đơn cử, đối với việc quan trắc độ phóng xạ theo quyết định trên và TCVN 12660:2019 khi thi công, kiểm tra, nghiệm thu chưa được nêu cụ thể số lần, vị trí lấy mẫu, nên gặp khó trong thực hiện, đảm bảo tuân thủ đúng quy định khi sử dụng tro xỉ san lấp hoặc làm nền đường ô tô.
Hay đối với yêu cầu an toàn lao động và bảo vệ môi trường hướng dẫn tại mục 10 của quyết định này, công trình san lấp bằng tro xỉ nhiệt điện phải thỏa mãn các điều kiện về an toàn lao động và môi trường. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Trà Vinh, chỉ những công trình hoặc dự án quy mô lớn mới có thể triển khai. Với những dự án quy mô nhỏ, sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp sẽ khó cạnh tranh với các loại vật liệu khác.
Là doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu mua 1 triệu tấn tro xỉ của Công ty nhiệt điện Duyên Hải, ông Trần Phước Lợi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận Hòa TV cho rằng, ngoài việc tháo gỡ khó khăn tại Quyết định 216/QĐ-BXD, Nhiệt điện Duyên Hải phải có trách nhiệm tiên phong, đồng hành cùng đơn vị tiêu thụ trong việc đảm bảo chất lượng nguồn xỉ.
Tức từ quá trình vận chuyển tro xỉ ở các NMNĐ đến giai đoạn mang đi san lấp, phải hỗ trợ và cùng chung trách nhiệm. Thay vì chỉ chịu trách nhiệm khi tro xỉ còn ở trong các nhà máy như hiện nay.