| Hotline: 0983.970.780

Cải cách & Phát triển

RIA II tinh gọn bộ máy để nâng cao năng lực, tăng thu nhập

Thứ Ba 14/11/2023 , 08:35 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA II) tích cực tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

RIA II hiện có 164 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 10 tiến sĩ, 48 thạc sĩ, 70 người tốt nghiệp đại học và 36 có bằng trung cấp- cao đẳng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

RIA II hiện có 164 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 10 tiến sĩ, 48 thạc sĩ, 70 người tốt nghiệp đại học và 36 có bằng trung cấp- cao đẳng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bài liên quan

Chủ động đề xuất đề tài nghiên cứu

Là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập trực thuộc Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA II) với thế mạnh về nghiên cứu, cùng đội ngũ cán bộ là các nhà khoa học có bề dày kinh nghiệm, đam mê với nghề, và sự năng động thích ứng với tình hình mới của đội ngũ trẻ, RIA II đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Viện đã nghiên cứu ra nhiều giống thủy sản quý hiếm được nhân nuôi, bảo tồn, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, doanh nghiệp.

Nhờ tích cực chuyển giao KHCN, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ về bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản, RIA II đã có nhiều đóng góp lớn cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.

Đến tham quan RIA II, nhìn cách mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhân viên nơi đây làm việc, chúng tôi hiểu được phần nào về công việc của họ. Để có được một đề tài nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn; để tạo ra một giống cá, giống tôm, giống nghêu… giúp nông dân, địa phương đưa vào sản xuất hiệu quả trong đời sống… quả thực không phải dễ dàng.

RIA II chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu với Bộ NN-PTNT cũng như với các địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

RIA II chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu với Bộ NN-PTNT cũng như với các địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước yêu cầu từ thực tiễn và của Bộ NN-PTNT, RIA II đã thực hiện giảm một đầu mối trực thuộc Viện (từ 11 còn 10) và cắt giảm 21 đầu mối trực thuộc các đơn vị thuộc Viện (từ 44 giảm còn 23). Đồng thời, tinh gọn bộ máy, sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp theo tinh thần "Đề án vị trí việc làm" với mục tiêu tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Từ đó, số lượng nhân sự giảm dần theo từng năm, năm 2011 RIA II có 226 viên chức, người lao động thì nay tinh gọn lại còn 164 người. Riêng Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ, trước đây có 70 người, nhưng hiện còn 36 người, chủ yếu được đào tạo ở các nước châu Âu, có năng lực nghiên cứu tốt.

Nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II ở thời điểm sau đại dịch Covid-19, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng đã cùng Đảng bộ, ban lãnh đạo Viện có nhiều sáng kiến, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, đưa RIA II ngày một phát triển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự theo hướng tinh gọn, làm giảm sự trì trệ vốn có của thời kỳ được hưởng lương, kinh phí quản lý bộ máy từ ngân sách nhà nước; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tạo động lực cho viên chức, người lao động trong việc thực hiện cơ chế tự chủ. Từ đó, giúp mọi hoạt động của RIA II ngày một khởi sắc hơn; có nhiều đề tài, dự án hơn; phát triển các dịch vụ khảo nghiệm, kiểm nghiệm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động ngày một tốt hơn.

Soi tìm tảo độc là một trong những công việc thường xuyên của cán bộ Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Soi tìm tảo độc là một trong những công việc thường xuyên của cán bộ Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Tinh gọn lại bộ máy nghĩa là một người làm rất nhiều việc, nhưng việc gì ra việc đó, rất hiệu quả. Càng tinh gọn càng tốt, khi đó lương sẽ cao, anh em rất phấn đấu. Hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm đơn vị đều đánh giá cán bộ, từ đó kiểm soát, động viên anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng nói.

Nếu như trước đây, lương, biên chế của RIA II do Bộ NN-PTNT “rót về”, “ngồi đọc báo cũng có thể hưởng lương”, thế nhưng hiện đơn vị đã tự chủ hoàn toàn thì việc “lo cơm áo gạo tiền”, cân đối thu nhập cho cán bộ công nhân viên được đặt lên vai lãnh đạo Viện.

Theo đó Viện chủ động các ý tưởng, đề xuất đề tài dự án các cấp, không “thụ động” chờ đặt hàng giao nhiệm vụ từ Bộ. Song song đó, Viện chủ động liên lạc với các địa phương để nắm rõ nhu cầu, từ đó chủ động xây dựng các kế hoạch, đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà địa phương đang quan tâm.

Nhờ sự nhạy bén đó, RIA II có thể chăm lo được đời sống của người lao động. Ngoài mức lương theo quy định, Viện còn chi trả khoản thu nhập tăng thêm cho người lao động từ việc tiết kiệm chi của các đề tài.

“Càng nhiều đề tài nghiên cứu thì anh em càng có cuộc sống tốt hơn. Chỉ khi lo được đời sống cho anh em thì mới có thể giữ chân được cán bộ, nhất là người tài”, Viện trưởng RIA II khẳng định và cho biết thêm, để có được đề tài nghiên cứu, thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện rất nhạy bén, bất cứ địa phương nào có vấn đề gì, có đề tài gì là anh em đều lên đường ngay, đến tận nơi để trao đổi, lên ý tưởng, thiết kế đề cương, tham gia đấu thầu, đưa đề tài vào nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa vào thực tiễn…“Những công việc ấy, anh em đã quen và thành nếp, nên rất linh động”, người đứng đầu RIA II nói.

Các đơn vị trực thuộc RIA II đều báo cáo, họp bằng hình thức online với lãnh đạo nhằm đáp ứng tiến độ công việc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các đơn vị trực thuộc RIA II đều báo cáo, họp bằng hình thức online với lãnh đạo nhằm đáp ứng tiến độ công việc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ứng dụng công nghệ số

Cùng với việc tinh gọn bộ máy (đạt khoảng 80%), RIA II cũng ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, cũng như mọi hoạt động để đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, chuyển đổi số được ứng dụng triệt để đối với bộ phận quản lý KHCN. Từ năm 2020-2023, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo bộ phận hành chính đưa vào quản lý số.

TS Nguyễn Thanh Tùng phấn khởi kể với chúng tôi: “Từ khi áp dụng công nghệ thông tin, mọi hoạt động của Viện được nhanh hơn. Bộ cần cái gì, cần về lĩnh vực nào, nội dung gì, chúng tôi đáp ứng rất nhanh. Ví dụ, tôi ra họp ngoài Bộ được thông báo 1-2 nội dung, nhưng đến khi họp, nội dung yêu cầu có thay đổi, tôi chỉ cần nhắn tin thông báo cho anh em của Viện, là có thể “rút” ngay nội dung đã được lưu trữ trên hệ thống là có ngay, vừa đáp ứng nhu cầu trong cuộc họp, vừa đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo Bộ. Nếu như trước đây thì chỉ có cách “kết thúc cuộc họp sẽ cung cấp bằng văn bản”. Còn bây giờ, không có chuyện đó”.

RIA II còn ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc môi trường, cảnh báo cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quan trắc chất lượng nước trên toàn lưu vực Tây Nam Bộ cũng như các tỉnh miền Đông, giúp cho mọi người tiếp cận được thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó giúp kiểm soát được môi trường, phục vụ cho việc điều tiết nước cho các vùng nuôi.

Hệ thống máy móc tại Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ thống máy móc tại Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sau đại dịch Covid-19 đến nay, các đơn vị trực thuộc của Viện cũng luôn duy trì lịch họp online, họp ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào, giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc kịp thời. Đặc biệt, mọi hoạt động, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đều được cập nhật thường xuyên trên website của Viện để địa phương và người dân tra cứu kịp thời. Tích hợp chữ ký số vào cổng thông tin điện tử kho bạc Nhà nước, hệ thống Dịch vụ công trực tuyến Bộ NN-PTNT...

Theo Viện trưởng RIA II Nguyễn Thanh Tùng, một trong những giải pháp để tồn tại và phát triển mạnh trong thời gian tới là Viện sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực nội tại, tìm kiếm các đề tài dự án nghiên cứu trong chọn tạo giống, kỹ thuật nuôi, nâng cao năng suất ở các đối tượng nuôi,… nâng tầm chất lượng nghiên cứu, được xã hội và thực tiễn chấp nhận. Đặc biệt, RIA II tập trung nguồn lực hiện có để thực hiện cải cách hành chính đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường ứng dụng tin học trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh sử dụng hệ thống văn bản điện tử trong nội bộ.

Nhìn nhận thực tế hiện nay, nhiều đơn vị bộ máy vẫn còn cồng kềnh, dư thừa, phòng ban có, tên có, chức năng nhiệm vụ có, nhưng con người không có, hoặc có thì chỉ 2-3 người. Vì vậy, TS Nguyễn Thanh Tùng đề xuất, Bộ NN-PNT trao quyền cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ sắp xếp lại đơn vị, tinh gọn bộ máy và đề xuất, xem xét tái cấu trúc lại từng đơn vị. “Có những phòng chức năng nhiệm vụ vĩ mô lắm, nhưng thực tế không làm gì cả, chỉ một – hai người lác đác, tiếc lắm!”, ông Tùng nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.