Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP VINACHEM cho biết, quý 2/2021, thị trường phân bón DAP trong và ngoài nước tiếp tục có chiều hướng thuận lợi. Giá và nhu cầu ở thị trường quốc tế tăng cao, nên sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp đã đạt và vượt được kế hoạch đề ra. Cũng trong quý 2, DAP Đình Vũ đã đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đặc biệt, sau khi có buổi làm việc với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Công ty Cổ phần DAP VINACHEM đã tạm dừng xuất khẩu tất cả các đơn hàng mới từ tháng 5/2021 để ưu tiên tối đa phục vụ thị trường trong nước. Bên cạnh đó, công ty cũng duy trì mức giá bán DAP Đình Vũ luôn thấp hơn giá DAP nhập khẩu từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, tùy từng loại.
Tình hình chạy máy trong quý 2 tương đối ổn định. Sản lượng DAP sản xuất trong quý 2 ước đạt 70.783 tấn, tăng 7,1% so với kế hoạch quý và bằng 235% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng DAP Đình Vũ sản xuất là 141.711 tấn, bằng 185% so với cùng kỳ năm trước.
Một tin đặc biệt vui mừng đến với Công ty, là sau nhiều năm kiên trì giới thiệu sản phẩm, đến nay đã có 27 nhà máy xi măng tại khu vực miền Bắc, đã mua và đưa vào sử dụng ổn định sản phẩm thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng chế biến từ bã thải của DAP Đình Vũ.
Tận dụng cơ hội của thị trường, từ đầu năm 2021 đến nay khi giá thạch cao nhập khẩu tăng mạnh do cước vận tải quốc tế tăng. Công ty CP thạch cao Đình Vũ đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ thạch cao, với giá bán thấp hơn giá thạch cao nhập khẩu. Riêng quý II/2021, sản lượng tiêu thụ thạch cao nhân tạo đạt trên 120.000 tấn, lũy kế sản lượng đã tiêu thụ từ năm 2017-2021 đã đạt trên 0,9 triệu tấn.
Hiện nay, lượng chế biến và tiêu thụ thạch cao đã cân bằng với lượng bã thải thạch cao PG phát sinh hàng ngày của Công ty DAP, tiến tới gần hơn đến mục tiêu giảm dần lượng bã thải thạch cao tồn trữ tại bãi chứa.
Tổng kết quý 2/2021, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM ước đạt doanh thu 754 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch, tăng 271% so với cùng kỳ, lợi nhuận trên 50 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DAP VINACHEM đạt doanh thu trên 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt xấp xỉ 88 tỷ đồng, vượt 114% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM đặt kế hoạch sản lượng DAP sản xuất 255.000 tấn, tăng 21,5% thực hiện 2020, sản lượng tiêu thụ 255.000 tấn, tăng 8,8% thực hiện 2020. Doanh thu tăng 31,1% đạt gần 2.480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 68 tỷ đồng, tăng 239% năm 2020. Như vậy, mới kết thúc quý 2, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM đã hoàn thành vượt mục tiêu về lợi nhuận cả năm 2021.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP VINACHEM, ông Nguyễn Ngọc Sơn, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng mạnh.
Cụ thể, so với thời điểm tháng 11/2020, hiện nay giá nhập Amoniac đã tăng từ 326 USD lên 676 USD/tấn (tăng 2,04 lần), giá nhập mua lưu huỳnh đã tăng từ 103 USD/tấn lên 255 USD/tấn (tăng 2,14 lần). Chưa kể cước vận tải biển cũng tăng rất mạnh.
Chỉ riêng 3 yếu tố này đã làm chi phí sản xuất phân bón DAP tăng lên hơn 3 triệu đồng/tấn. Do đó, DAP Đình Vũ đạt hiệu quả chủ yếu là nhờ duy trì ổn định sản xuất và quản trị tốt, bởi giá bán DAP tăng chỉ đủ bù đắp chi phí tăng nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Để có thể phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh quý 2 và cả năm 2021, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM kiến nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón sang danh mục mặt hàng chịu thuế.
Điều này không những giúp cho sản phẩm phân bón sản xuất trong nước công bằng so với sản phẩm phân bón nhập ngoại mà còn đảm bảo bình đẳng cho các sản phẩm phân bón khi tham gia đấu thầu thị trường quốc tế.
Tiếp tục kiến nghị Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia xi măng.
Xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%. Đồng thời nghiên cứu, áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu thạch cao tái chế của nước ngoài, để đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ thạch cao trong nước.