Sản phẩm OCOP của Thanh Hóa vươn ra biển lớn
Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói xuất khẩu trực tiếp và bán tại 64 siêu thị ở Hoa Kỳ; đá mỹ nghệ Vĩnh Lộc, sản phẩm thủ công từ bèo, bẹ ngô, thảo dược được bán tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc…
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 – 2020 vừa diễn ra chiều 31/12.
Ngay sau khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh là cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách cho Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh.
Đến nay, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức 5 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, và được UBND tỉnh phê duyệt 69 sản phẩm OCOP (đạt 172,5% kế hoạch) của 47 chủ thể tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố.
Trong số 64 sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên có 17 sản phẩm đạt 4 sao (2 sản phẩm đề xuất Trung ương công nhận 5 sao).
Để sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi, năm 2019 Thanh Hóa tham gia các hội chợ; trưng bày sản phẩm OCOP... Năm 2020, Thanh Hóa xây dựng 6 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; tham gia 4 gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa tại Hà Nội...
Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sau khi được công nhận sản phẩm OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi. Nhiều sản phẩm OCOP của Thanh Hóa mở rộng thị trường ra các quốc gia như Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ, Nhật, Trung Quốc …
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương; phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP.
Các chủ thể OCOP cũng đã nhận thức và quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ trong nâng cao chất lượng sản phẩm mà cả trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng. Điều này càng có ý nghĩa và tác động tích cực đến sự tồn tại bền vững của chủ thể.
Ông Giang cho biết thêm, giai đoạn 2021 – 2025, Thanh Hóa phấn đấu có thêm ít nhất 3 sản phẩm OCOP 5 sao; trên 100 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hình thành các Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Trung ương đã trao giấy chứng nhận cho 3 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao giấy chứng nhận cho các chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 10 tập thể, 22 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
Hội nghĩ cũng diễn ra Lễ ký kết ghi nhớ giữa chủ thể OCOP và các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Huy động trên 114 tỷ đồng xây dựng sản phẩm OCOP
Trong 3 năm, Thanh Hóa đã huy động trên 114 tỷ đồng để thực hiện chương trình OCOP. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh là 18,258 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện trên 36 tỷ đồng; các chủ thể đối ứng trên 60 tỷ đồng. Thanh Hóa cũng đã triển khai 3 dự án thành phần. Trong đó có 1 Dự án chỉ đạo điểm của Trung ương (điểm du lịch cộng đồng); 1 Dự án thành phần cấp tỉnh (Dự án Làng văn hóa du lịch Cộng đồng) và 1 Dự án thành phần cấp huyện...