| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đa tầng, đa giá trị

Thứ Ba 14/06/2022 , 06:33 (GMT+7)

Tỉnh Hải Dương đang kiên định phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, dựa trên tiềm năng lợi thế riêng có, khác biệt về lĩnh vực nông nghiệp.

 Tư duy không thể manh mún

Trong khuôn khổ Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ vụ xuân 2022, do UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tổ chức ngày 13/6, bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, cho biết, toàn huyện Tứ Kỳ hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn đặc sản rươi cáy tự nhiên.

Tại các vùng sản xuất hữu cơ đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác (dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, lúa xuân trên ruộng, trên bờ trồng rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả), tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chia sẻ những trăn trở của mình về câu chuyện phát triển 'nền nông nghiệp vị nhân sinh'. Ảnh: Trung Quân.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chia sẻ những trăn trở của mình về câu chuyện phát triển "nền nông nghiệp vị nhân sinh". Ảnh: Trung Quân.

Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn (lúa hơn 1.200 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.

Theo bà Hà, việc khai thác, bảo tồn đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, tháng 5/2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017). Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.

Các sản phẩm được chứng nhận gồm: Lúa (hơn 104 ha), chuối (25 ha), mít (5 ha), rau ăn lá (1,5 ha), rau gia vị (1 ha). Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn/năm, giá trị sản xuất ước đạt 500- 700 triệu đồng/ha.

Hàng năm, UBND huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ giống, chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật cho các hộ trong vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để cải tạo diện tích canh tác, tạo thuận lợi kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên.

Việc liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cho nông sản hữu cơ Tứ Kỳ cùng được duy trì và mở rộng. Hiện tại, đã có nhiều đơn vị đăng ký tham gia đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân như Công ty Cổ phần Kinh doanh và Chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp thế hệ mới, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam…

Bà Vũ Thị Hà thông tin thêm: Trong thời gian tới, huyện Tứ Kỳ đặt mục tiêu chứng nhận hữu cơ cho 120 ha còn lại của vùng sản xuất và khai thác rươi cáy ngoài bãi tại các xã Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Hà Thanh.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng: Tỉnh Hải Dương đang kiên định phát triển nông nghiệp theo định hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, dựa trên tiềm năng lợi thế riêng có, khác biệt về lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng: Tỉnh Hải Dương đang kiên định phát triển nông nghiệp theo định hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, dựa trên tiềm năng lợi thế riêng có, khác biệt về lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Tiếp tục thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy trong đồng tại xã An Thanh, Quang Trung. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cải tạo 294 ha vùng trong đồng, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy lên 700 ha và từng bước thực hiện việc chứng nhận hữu cơ cho diện tích này.

Bên cạnh đó, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đưa vào khai thác khu du lịch sinh thái sông Sồi, làng cổ Việt Nam đã được quy hoạch tại xã An Thành. Thu hút các doanh nghiệp lữ hành phối hợp hình thành và khai thác các tour du lịch: Làng nghề thêu ren, đình Đền Lạc Dục; điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... của huyện.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, chia sẻ: Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang kiên trì, kiên định phát triển nông nghiệp theo định hướng phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, dựa trên tiềm năng lợi thế riêng có, khác biệt về lĩnh vực nông nghiệp.

Huyện Tứ Kỳ nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu không chỉ giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà hơn hết là gắn sản phẩm nông sản với nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử, thông qua hình thức du lịch trải nghiệm. Từ đó, tạo ra giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp, cho người nông dân, hướng tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Trên cơ sở đó, ông Thăng bày tỏ mong muốn Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hải Dương để triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Các đơn đơn vị chuyên môn của Bộ, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia cùng với tỉnh phát triển vùng sản xuất lúa, rươi, cáy tại huyện Tứ Kỳ, biến nơi đây thành vùng du lịch sinh thái dựa trên tiềm năng lợi thế về sản phẩm nông nghiệp đặc hữu. Từ đó, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh đó, áp dụng tư duy mới, sử dụng những bộ giống mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

“Đồng ruộng Hải Dương có thể manh mún, nhưng tư duy của người Hải Dương không thể manh mún”, ông Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) và ông Phạm Xuân Thăng (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh, huyện Tứ Kỳ thăm vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ tại xã An Thanh. Ảnh: Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) và ông Phạm Xuân Thăng (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh, huyện Tứ Kỳ thăm vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ tại xã An Thanh. Ảnh: Trung Quân.

Xây dựng nền nông nghiệp vị nhân sinh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan không khỏi xúc động khi nghe Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Vũ Thị Hà chia sẻ về định hướng của huyện trong việc phát triển một “nền nông nghiệp vị nhân sinh”.

Bộ trưởng xúc động nói: “Tôi đã đi nhiều tỉnh thành trong cả nước nhưng đây là lần đầu tiên được nghe đến định hướng phát triển một nền nông nghiệp vị nhân sinh, một nền nông nghiệp chứa đựng sự nhân văn vô cùng, hướng tới sự phát triển bền vững của con người, hệ sinh thái chứ không dừng ở việc thu lợi ích cho riêng bản thân mình”.

Theo Bộ trưởng, trong thời đại ngày nay, sản xuất nông nghiệp không nên đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng, niềm tin của người tiêu dùng để đạt lợi ích riêng. Bởi lẽ, thiên nhiên đã trao tặng đặc ân cho con người khai thác, thì bản thân mỗi người phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ, không được làm suy thoái, kiệt quệ, giữ lại cho thế hệ mai sau.

“Chúng ta không yêu thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ giận dữ, thiên tai, biến đổi khí hậu... sẽ không ngừng xuất hiện, làm thế có nên chăng”, Bộ trưởng lưu ý.

Trở lại với câu chuyện lúa rươi hữu cơ của người dân huyện Tứ Kỳ, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh: Phải xóa đi tư tưởng, suy nghĩ sản xuất lúa, gạo là không cần tinh thần nhân văn. Sự nhân văn sẽ là nền tảng để hạt gạo “bay cao, bay xa”. Canh tác hữu cơ ban đầu làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều luồng ý kiến phản đối. Tuy nhiên, con đường mà Hải Dương nói chung, Tứ Kỳ nói riêng đã chọn vẫn phải kiên định bước tiếp.

“Tên gọi Tứ Kỳ có thể hiểu là nơi khởi nguồn của 4 con đường, 4 ngã rẽ. Hải Dương đang chọn con đường không rẽ trái, rẽ phải, thụt lùi, tự bằng lòng, mà đi thẳng, tiếp tục tiến lên. Người nào dám chọn con đường đi mới, đi trước, đột phá, chắc chắn sẽ thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong thang bậc của nền kinh tế để tạo ra giá trị gia tăng cũng có 4 cách tiếp cận: Một là hàng hóa phổ thông, hai là sản phẩm hoàn thiện, ba là hàng hóa dịch vụ, bốn là hàng hóa trải nghiệm.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp vị nhân sinh mang trong mình trách nhiệm, giá trị văn hóa, lịch sử, tính nhân văn sâu sắc, vì sự phát triển bền vững của con người. Ảnh: Trung Quân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp vị nhân sinh mang trong mình trách nhiệm, giá trị văn hóa, lịch sử, tính nhân văn sâu sắc, vì sự phát triển bền vững của con người. Ảnh: Trung Quân.

Giai đoạn hiện nay có thể xem là thời đại "bi kịch" của những người sản xuất vì có rất nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, sản phẩm muốn tiêu thụ tốt phải tạo ra một giá trị riêng, phải tích hợp được các giá trị văn hóa, lịch sử... vào sản phẩm, tạo cho người tiêu dùng một cảm xúc thực sự.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, sản phẩm của Hải Dương đã tốt nhưng cần phải nghiên cứu đến việc tối ưu hóa được sự tiện ích cho người tiêu dùng, tránh khoác lên mình sự lỉnh kỉnh, rườm rà, bất tiện... Bởi lẽ, sản phẩm càng tiện ích, người tiêu dùng càng ưa chuộng, từ đó thuận lợi tiêu thụ, giá bán ở mức cao. Bên cạnh đó, phải luôn trăn trở trả lời cho bằng được câu hỏi: Còn cách nào để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nữa hay không hay là bằng lòng với hiện tại? Tỉnh Hải Dương, phải đặt hàng các nhà khoa học tham gia cùng trả lời câu hỏi này.

Xem thêm
Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.