| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp hữu cơ: Thiệt trước mắt, lợi lâu bền

Thứ Sáu 25/03/2022 , 12:36 (GMT+7)

Làm nông nghiệp hữu cơ có thể khiến năng suất cây trồng giảm trong 1 - 2 năm đầu tiên, nhưng về lâu dài, sẽ mang lại vô vàn lợi ích.

Từ chủ trương đúng

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) góp phần đáng kể trong việc bảo vệ cây trồng, tăng năng suất. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học đang khiến ngành nông nghiệp đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước, sức khỏe con người, làm giảm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá các loại phân bón liên tục tăng trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại không tăng, thậm chí giảm, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phạm Như Trung, Giám đốc HTX Bưởi ngọt Trung Sáu, thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế, Bắc Giang) sử dụng phân bón hữu cơ cho hơn 10 ha diện tích trồng bưởi, đang cho những kết quả rất khả quan. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Như Trung, Giám đốc HTX Bưởi ngọt Trung Sáu, thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế, Bắc Giang) sử dụng phân bón hữu cơ cho hơn 10 ha diện tích trồng bưởi, đang cho những kết quả rất khả quan. Ảnh: Trung Quân.

Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, thân thiện môi trường. Trong đó, việc tăng cường sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, nâng cao hiệu quả sản xuất được xem là giải pháp hữu hiệu nhất.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo Cục BVTV, hiện nay nhiều nguồn phụ phẩm rất lớn trong nông nghiệp có thể dùng để làm phân bón hữu cơ với chi phí khá thấp như rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa, chất thải từ quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, do còn thiếu thông tin và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý nên người dân chưa khai thác hết tiềm năng của những phụ phẩm này để biến thành các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp. 

Trên cơ sở đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV đã phối hợp cùng các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.

Vườn bưởi của gia đình ông Trung khi sử dụng phân bón hữu cơ, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ảnh: Trung Quân.

Vườn bưởi của gia đình ông Trung khi sử dụng phân bón hữu cơ, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ảnh: Trung Quân.

Trong số đó, có thể kể tới tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, chất lượng. Được sự hỗ trợ của Cục BVTV cũng như các đơn vị liên quan, ngành nông nghiệp Bắc Giang từng bước khởi sắc, nhiều mặt hàng nông sản đã tạo dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Vũ Trí Đồng, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang lượng phân bón người dân sử dụng trung bình hàng năm khoảng 500.000 tấn, trong đó 50% là phân bón hữu cơ.

Ngày 22/11/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 1940/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020 – 2025 nhằm từng bước thay đổi tư duy và cách thức sản xuất từ dựa vào phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học là chính sang sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Đồng thời, tạo cơ sở trong định hướng chỉ đạo về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, nâng tầm thương hiệu nông sản và thúc đẩy liên kết chặt chẽ, đồng bộ trong chuỗi sản xuất các nông sản của tỉnh Bắc Giang…

Điển hình Bắc Giang

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thế (Bắc Giang) chia sẻ: Trên địa bàn huyện người dân đang sử dụng hai nhóm phân hữu cơ gồm: Phân bón hữu cơ truyền thống (nguồn từ chất thải động vật, thực vật, rác hữu cơ… được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống bằng men vi sinh) và nhóm phân bón hữu cơ công nghiệp.

Theo đánh giá của các hộ trực tiếp sử dụng, các loại phân bón hữu cơ không chỉ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện độ mùn, hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Mô hình canh tác bưởi hữu cơ của HTX Bưởi ngọt Trung Sáu ở thôn Cầu Thầy, xã An Thượng, huyện Yên Thế là một điển hình trong việc sử dụng phân bón hữu cơ trong thâm canh cây có múi, cho năng suất, chất lượng cao.

Gia đình chị Hoàng Thị Thắng, bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế, Bắc Giang) sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè, vừa giúp giảm được chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch. Ảnh: Trung Quân.

Gia đình chị Hoàng Thị Thắng, bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế, Bắc Giang) sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè, vừa giúp giảm được chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Như Trung, Giám đốc HTX cho biết: Khi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, đã giúp tiết kiệm được rất nhiều công chăm sóc cũng như chi phí trong sản xuất do nguồn nguyên liệu dùng làm phân như phân bò, trâu, gà, cá, ngô, ớt, tỏi... đều sẵn có tại địa phương, gia đình có thể tự sản xuất hoặc thu mua với giá rẻ.

Cũng theo ông Trung, việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây sinh trưởng phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, gần như chỉ phải thực hiện công tác phòng bệnh cho cây. Bên cạnh đó, chất lượng quả bưởi được nâng lên nên giá bán cũng được duy trì ở mức cao. Hiện, trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường 1 vạn quả bưởi, với giá bán 50.000 đồng/quả (có trọng lượng 1 - 1,5 kg), thu về 500 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Ngoài ra, việc canh tác hữu cơ giúp môi trường vườn trồng trong lành nên gia đình đã tận dụng nuôi ong lấy mật, vừa giúp tăng hiệu quả thụ phấn cho cây, vừa tăng thêm nguồn thu nhập.

Tương tự, gia đình chị Hoàng Thị Thắng ở bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, thành viên HTX Thân Trường cũng tiên phong trong việc sử dụng phân bón hữu cơ trên cây chè, đang cho những kết quả rất khả quan.

Chị Thắng chia sẻ: Cây chè đang trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình chị cũng như các hộ dân trong bản. Hiện nay, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường ngày càng khắt khe hơn, nếu sản xuất không đảm bảo thì sản phẩm chè của Yên Thế sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường.

Cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ của HTX Kinh doanh Thao Thanh, xã Xuân Hương, Lạng Giang (Bắc Giang) hàng năm cung cấp hàng chục tấn phân bón hữu cơ cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Trung Quân.

Cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ của HTX Kinh doanh Thao Thanh, xã Xuân Hương, Lạng Giang (Bắc Giang) hàng năm cung cấp hàng chục tấn phân bón hữu cơ cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Thế cũng đã có chủ trương gắn vùng trồng chè với phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Do đó, đòi hỏi hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè phải đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người… Việc chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết tất cả những yêu cầu này.  

Cũng theo chị Thắng, để canh tác hữu cơ, yếu tố cốt lõi là phải thực sự kiên trì vì cần có thời gian cải tạo lại đất, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất… Do đó, trong 1 - 2 năm đầu năng suất chè có thể giảm từ 20 - 30%. Tuy nhiên từ các năm tiếp theo trở đi, khi đất được bổ sung đủ chất dịnh dưỡng sẽ trở nên tơi xốp, nhiều mùn, cải thiện hệ vi sinh vật trong đất giúp bộ rễ của cây phát triển khỏe mạnh, khả năng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn… Nhờ đó, năng suất chè được phục hồi, những diện tích canh tác tốt năng suất có thể tăng thêm khoảng 10%, phiến lá chè dày hơn, búp chè mập và non lâu, khi chế biến có độ dính cao, chu kỳ khai thác của cây được kéo dài hơn…

Theo ông Vũ Trí Đồng, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, với những ưu điểm vượt trội, sử dụng phân bón hữu cơ là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, để việc sử dụng phân bón hữu cơ được thực hiện rộng rãi, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân tin tưởng và áp dụng. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, áp dụng các phương pháp ủ truyền thống kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả xử lý phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt làm phân hữu cơ…

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Hà Nội ra quân bắt chó thả rông, phòng ngừa bệnh dại

Trong ngày 20/4, đội xử lý chó thả rông phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm liên quan đến việc để chó thả rông, không rọ mõm.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm