Lan tỏa tư duy kinh tế nông nghiệp vị nhân sinh từ mô hình lúa rươi. Hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật hoang dã. Đảm bảo an toàn đê điều trước thời tiết bất thường. Hàng ngàn lượt tàu cá mất kết nối.
LAN TỎA TƯ DUY KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VỊ NHÂN SINH
Ngày 13/6, UBND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ - vụ Xuân 2022. Đây là năm đầu tiên lễ hội rươi được tổ chức tại Hải Dương và là lễ hội thứ ba về kinh tế nông nghiệp của tỉnh từ đầu năm đến nay. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy làm nông nghiêp vị nhân sinh, vì sức khoẻ con người của Tứ Kỳ và của Hải Dương rất ý nghĩa và rất cần lan toả rộng rãi nhằm truyền cảm hứng cho những địa phương khác về sản xuất kinh tế nông nghiệp hữu cơ.Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có 4 nấc thang tạo giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, trong đó, trải nghiệm là nấc thang cao nhất. Do đó, khi nền kinh tế hàng hoá chuyển sang nền kinh tế trải nghiệm, giá trị sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều lần. Bên lề chương trình đã diễn ra lễ ký kết liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã; cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên và hội thi gặt lúa hữu cơ vụ xuân.
HỢP TÁC QUỐC TẾ CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Chiều 13/6, Bộ NN&PTNT Việt Nam ký thỏa thuận tài trợ với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID về Dự án Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman Với ngân sách dự trù lên tới 50 triệu USD, thỏa thuận sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí đậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại ĐBSCL và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu, phát thải thấp. Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ NN&PTN trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam” cho Giám đốc USAID tại Việt Nam và Quyền Trưởng phòng môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu của USAID. Cũng trong chiều nay, Bộ NN&PTNT và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã khởi động dự án bảo vệ các loại động vật hoang dã nguy cấp trong 5 năm với ngân sách 15 triệu USD nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU TRƯỚC THỜI TIẾT BẤT THƯỜNG
Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt 2022.Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, 6 tháng đầu năm, mưa lớn bất thường diễn ra thường xuyên, với lượng mưa phổ biến từ 200 đến 400mm, có nơi tập trung đến 464mm/ngày, gây ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố.Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản Nhà nước, nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe những ý kiến tham luận của các địa phương về bài học kinh nghiệm, thực trạng và kiến nghị giải pháp về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; triển khai phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”; công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ;…
HÀNG NGÀN LƯỢT TÀU CÁ MẤT KẾT NỐI
Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, từ năm ngoái đến nay, lực lượng chức năng của địa phương đã phát hiện và xử lý 176 vụ tàu cá vi phạm IUU, với tổng số tiền xử phạt hơn 6,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm ngoái đến nay, có hơn 8.600 lượt tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát. Cá biệt, có nhiều trường hợp tàu cá bị mất kết nối với hệ thống giám sát đến vài chục lần trong một chuyển biển.Tổng cục Thủy sản đánh giá Cà Mau đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện IUU. Tuy nhiên, địa phương vẫn cần tăng cường triển khai thêm các giải pháp để ngăn chặn tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, đặc biệt là khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài.