| Hotline: 0983.970.780

Sáng kiến Một sức khỏe: Đẩy lùi mối nguy mất an toàn thực phẩm

Thứ Hai 30/12/2024 , 15:44 (GMT+7)

Sáng 30/12, Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế tổ chức họp tham vấn các kết quả sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR để nghiệm thu và kết thúc dự án.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT và TS Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI tại châu Á chủ trì cuộc họp. Ảnh: Linh Linh.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT và TS Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI tại châu Á chủ trì cuộc họp. Ảnh: Linh Linh.

Các tiếp cận tích hợp trong trong triển khai Một sức khỏe

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, Dự án “Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe (MSK) tại Việt Nam" do Quỹ CGIAR Trust Fund tài trợ không hoàn lại thông qua Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI).

Dự án hướng tới bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận MSK nhằm cải thiện việc phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền qua thực phẩm và kháng kháng sinh.

TS. Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI tại châu Á nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Bộ NN-PTNT thông qua Khung đối tác MSK về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người đã hỗ trợ và huy động các bên liên quan cùng nhau triển khai các nhiệm vụ, trong đó có sáng kiến MSK của One CGIAR nhằm giải quyết những thách thức tại giao điểm giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường. Viện Thú y Quốc gia (NIVR) là chủ dự án đồng thực hiện cùng ILRI triển khai các hoạt động theo cam kết tại Văn kiện dự án đã được phê duyệt. Tới nay, Dự án về cơ bản hoàn thành các mục tiêu và kết thúc đúng tiến độ.

Sáng kiến MSK được triển khai tại 6 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai và Cần Thơ, tập trung vào 3 hợp phần.

Hợp phần 1 về kiểm soát bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, được triển khai tại các cơ quan địa phương để nghiên cứu chuỗi giá trị động vật hoang dã, phát hiện các tác nhân gây bệnh như Hantavirus và Viêm gan E. Những phát hiện này đã dẫn đến việc nâng cao nhận thức và thực hành an ninh sinh học tại các khu vực chăn nuôi và buôn bán động vật hoang dã.

Hợp phần 2 về an toàn thực phẩm, sáng kiến đã triển khai thí điểm các biện pháp can thiệp tại 16 lò giết mổ và 68 điểm bán hàng ở 5 tỉnh nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn Salmonella trong thịt lợn, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững.

Hợp phần 3 về kháng kháng sinh (AMR) trong gia cầm, sáng kiến đã tập trung vào tỉnh Thái Nguyên, thúc đẩy việc sử dụng kháng sinh một cách thận trọng và tăng cường giám sát, từ đó giảm thiểu thách thức ngày càng gia tăng của AMR.

“Những thành tựu này minh chứng cho sức mạnh của hợp tác và tầm quan trọng của cách tiếp cận tích hợp”, ông Fred cho biết. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng vẫn còn nhiều việc cần làm để duy trì và mở rộng tác động của sáng kiến.

Phía ILRI cam kết hỗ trợ các mục tiêu MSK của Việt Nam, với kỳ vọng rằng sự hợp tác liên ngành sẽ tiếp tục mang lại một tương lai khỏe mạnh hơn cho mọi người.

Tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn Sanmonella tại các chợ dân sinh vẫn cao

Đối với hợp phần 1 về kết quả đánh giá chuỗi giá trị động vật hoang dã và nguy cơ lây truyền bệnh truyền lây giữa động vật và người, chủ dự án cho biết nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền lây giữa động vật và người đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi giá trị động vật hoang dã và các tương tác giữa con người với động vật hoang dã ngày càng gia tăng.

Các kết quả xét nghiệm phòng thí nghiệm đã cung cấp bằng chứng rõ ràng về việc người chăn nuôi động vật hoang dã gây nuôi đã từng phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh, cho thấy mối đe dọa thực sự của các bệnh truyền lây.

Tuy nhiên, kiến thức và nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu thụ về các bệnh truyền lây cũng như các biện pháp phòng ngừa còn rất hạn chế. Một số người vẫn giữ thái độ chủ quan, không tin vào nguy cơ lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người, làm gia tăng rủi ro cho cả sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp an toàn trong hoạt động liên quan đến động vật hoang dã.

Đối với hợp phần an toàn thực phẩm, kết quả triển khai thí nghiệm cho thấy tình trạng ô nhiễm vi sinh tại các quầy thịt, đặc biệt là tỷ lệ nhiễm Salmonella, vẫn là một vấn đề đáng quan tâm khi mức độ nhiễm cao được ghi nhận trên tất cả các địa bàn thí nghiệm. Tuy nhiên, các can thiệp đã mang lại tác động khác biệt giữa các khu vực, với xu hướng nhiễm giảm tại miền Trung và miền Nam, trong khi tại miền Bắc tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng, có thể do yếu tố môi trường và nhiệt độ. Đáng chú ý, tại các chợ được can thiệp, mức độ nhiễm đã giảm đáng kể, thể hiện sự tác động tích cực của các biện pháp cải thiện vệ sinh.

Tình trạng ô nhiễm vi sinh tại các quầy thịt, đặc biệt là tỷ lệ nhiễm Salmonella, là vấn đề đáng quan tâm khi mức độ nhiễm cao. 

Tình trạng ô nhiễm vi sinh tại các quầy thịt, đặc biệt là tỷ lệ nhiễm Salmonella, là vấn đề đáng quan tâm khi mức độ nhiễm cao. 

Về kiến thức, nhận thức và thực hành của tiểu thương, chương trình tập huấn và cung cấp dụng cụ đã giúp cải thiện đáng kể nhận thức về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Những tiểu thương được hỗ trợ dụng cụ cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong thực hành vệ sinh so với trước đây. Nhận thức của họ cũng được nâng cao khi nhận thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm, dẫn đến việc các tiểu thương ở nhóm can thiệp thực hiện các biện pháp vệ sinh được khuyến nghị nhiều hơn. Điều này không chỉ cải thiện vệ sinh mà còn góp phần làm tăng doanh thu trung bình 10% tại các chợ thuộc nhóm can thiệp.

Với vấn đề kháng kháng sinh, đại diện Viện ILRI cho biết, nghiên cứu thí điểm cho thấy việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm tập trung chủ yếu vào mục đích điều trị chiếm 79%, trong khi việc sử dụng để phòng ngừa chỉ chiếm 19%. Nhìn chung, nhận thức về lợi ích của kháng sinh giữa người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ có nhiều điểm tương đồng, nhưng có sự khác biệt trong việc ghi nhận các nhược điểm hoặc vấn đề liên quan đến sử dụng kháng sinh. 

Đáng chú ý, chi phí sử dụng kháng sinh cho mỗi chu kỳ nuôi ở các hộ quy mô vừa cao hơn đáng kể, trung bình 7,4 triệu đồng, so với các hộ quy mô nhỏ với chi phí trung bình chỉ 1,4 triệu đồng. Những con số này cho thấy cần có sự cải thiện trong quản lý việc sử dụng kháng sinh, từ việc ghi chép chi tiết đến giảm thiểu tình trạng lạm dụng, nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Một ngư dân mất tích khi đang đánh cá trên biển

Quảng Trị Trong lúc thả neo, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn bị dây neo vướng vào chân, rơi xuống biển mất tích. Các thuyền viên đã tích cực tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa thấy.