| Hotline: 0983.970.780

Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước chính thức được thành lập

Thứ Bảy 30/12/2023 , 14:33 (GMT+7)

Sáng 30/12, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Đây là Sở ATTP đầu tiên của cả nước, sau 7 năm thí điểm Ban ATTP.

Lãnh đạo TP.HCM trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo TP.HCM trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại hội nghị, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đã công bố quyết định số 1733/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng về việc chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, kể từ ngày 1/1/2024.

Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cũng công bố nghị quyết của HĐND thành phố về thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM

Theo đó, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM có chức năng tham mưu, giúp UBND TP quản lý nhà nước về an toàn thực và được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước. Cơ quan này cũng chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM gồm giám đốc là bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Ban An toàn thực phẩm TP.HCM) và Phó giám đốc là ông Lê Minh Hải, Phó trưởng ban Ban An toàn thực phẩm TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM chúc mừng Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước chính thức được thành lập. "Việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của Thành phố và tình hình thực tiễn của địa phương", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Ông Đức cũng đề nghị, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm phối hợp các Sở, ngành liên quan cùng toàn thể công chức, viên chức khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức của Sở và triển khai ngay các công việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp tới.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP.

Đặc biệt, liên kết với các tỉnh, gắn TP.HCM và các tỉnh trong phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

"Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP", lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, tình hình ATTP vẫn còn nhiều thách thức, vì vậy, đề nghị tập thể lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm cùng toàn thể công chức, viên chức bắt tay ngay vào công việc, triển khai cụ thể, có chiều sâu hơn nữa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Thành phố về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cam kết tiếp tục tập trung cho công tác bảo đảm ATTP, để người dân thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và với tâm trạng an tâm hơn

"Với tư cách là một Sở, chúng tôi sẽ có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống thực phẩm bẩn, xây thực phẩm sạch, cải cách hành chính, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người hành nghề.

Trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, không để khoảng trống xảy ra trong việc chuyển giao. Bởi người dân thành phố không thể dừng tiêu thụ thực phẩm một ngày nào. Cho nên công tác bảo đảm ATTP phải luôn giữ vững", bà Lan khẳng định.

Bà Lan cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tuyên truyền để thực hiện những công việc ở tầm cao mới: thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn, phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh thành để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch tại nguồn; đặc biệt cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch, tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại TP.HCM, bằng cách khuyến khích và tiến tới bắt buộc thực phẩm tại TP.HCM phải đạt các tiêu chuẩn luật định quy định.

Ngày 24/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó tại khoản 1, điều 9 có quy định HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM. Mô hình Ban An toàn thực phẩm TP.HCM xem như hoàn thành sứ mệnh.

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 19/9/2023, đã thống nhất thông qua nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.