Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số ca sốt phát ban nghi sởi trong năm qua là 38.364 trường hợp, tăng hơn 94 lần so với năm 2023, trong số đó, 6.725 trường hợp dương tính với sởi, tăng hơn 130 lần. Các địa phương có số ca mắc cao nhất gồm Đồng Nai (6.360 ca), TP.HCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca). Đặc biệt, đã ghi nhận 13 ca tử vong, chủ yếu ở trẻ em mắc bệnh chồng bệnh hoặc người già có bệnh nền.
Nguyên nhân chính dẫn đến dịch sởi bùng phát được xác định do miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu. Điều này bắt nguồn từ việc gián đoạn công tác tiêm chủng trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ, ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế, cùng nguồn kinh phí phòng chống dịch hạn hẹp đã khiến dịch sởi khó kiểm soát.
Bộ Y tế cảnh báo, các bệnh dự phòng bằng vacxin, trong đó có sởi, có nguy cơ tiếp tục gia tăng nếu tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mức bao phủ cần thiết. Tình trạng này có thể dẫn đến gia tăng các ca nhập viện, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.
Để phòng, chống dịch sởi, Bộ Y tế đưa ra một số khuyến cáo: Đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vacxin đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nghi mắc bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
cùng với đó, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Tại các nhà trẻ, mẫu giáo, cần thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, phòng học.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi hoặc phát ban, cần cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh tự ý đưa trẻ vượt tuyến để giảm quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện.