| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát ca bệnh sởi, không để dịch chồng dịch

Thứ Năm 29/08/2024 , 17:52 (GMT+7)

TP.HCM Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại buổi làm việc về phòng chống dịch sởi với Bệnh viện Nhi đồng 1, sáng 29/8.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (áo xanh) kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Đ.H.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (áo xanh) kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Đ.H.

Bài liên quan

TS.BS Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong tháng 8, số ca nhập viện do sởi tăng cao với 368 trường hợp nội trú, trong đó có 42 ca (chiếm 11%) bệnh nặng phải nằm hồi sức. Điều đáng nói, trong số các bệnh nhi nhập viện, có tới 2/3 số bệnh nhân từ tỉnh chuyển lên.

Đặc biệt, trong số các ca nhập viện do sởi, có tới 84,6% số trẻ chưa chích ngừa vacxin, còn lại mới chích 1 mũi. Số trẻ nhập viện dưới 1 tuổi chiếm hơn 50%. Hiện bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong vì bệnh sởi.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh cho biết thêm, ngay từ đầu năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, dự trù nhân sự, thuốc, vật tư và trang thiết bị, đặc biệt là các tình huống chi tiết để xử trí bệnh. Đồng thời, tổ chức phân luồng bệnh ngay tại Khoa Khám bệnh, có phòng khám sàng lọc sởi, lối đi riêng lên khu cách ly sởi thuộc Khoa Nhiễm - Thần kinh (bố trí 100 giường).

Trường hợp trẻ bị suy hô hấp sẽ được chuyển vào phòng cách ly tại Khoa Cấp cứu. Trường hợp bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách ly chăm sóc tại nhà, tái khám tại phòng sàng lọc.

Ngoài ra, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện chặt chẽ xuyên suốt, tổ chức tiêm vacxin cho trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vacxin và nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhi sởi.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay, theo TS Minh là bệnh viện không còn thuốc cấp cứu Dopamin - một loại thuốc rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu, điều trị tay chân miệng và sốt xuất huyết.

"Bệnh viện đã phải họp bàn tìm thuốc thay thế nhưng hiệu quả điều trị không đạt 100%", TS Minh nói và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ đảm bảo nguồn cung ổn định về vật tư, thuốc chống dịch (IVIG) cũng như thuốc cấp cứu (Dopamin...); sớm cập nhật phác đồ điều trị sởi và cần cụ thể hơn 1 số nội dung đáp ứng thực tế lâm sàng; tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến để giảm gánh nặng cho các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, nguyên nhân chính gây ra bùng phát dịch sởi là do đại dịch Covid-19 tạo ra khoảng trống tiêm chủng đối với các dịch bệnh lưu hành; các nước đều tập trung nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến nguồn lực kiểm soát các dịch bệnh khác; Hệ quả phong tỏa, hạn chế đi lại dẫn đến giảm khả năng miễn dịch của con người đối với các bệnh lây nhiễm thông thường; Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, thiếu hụt thuốc, vật tư và khó khăn trong nghiên cứu phát triển các loại vacxin thuốc, phác đồ đồ điều trị...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao TP.HCM đã chủ động công bố dịch, cũng như đánh giá cao Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có kế hoạch, phương án tốt, chủ động để ứng phó công tác phòng, chống dịch sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngành y tế khuyến cáo cần tiêm đủ 2 liều vacxin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1-10 tuổi. Ảnh: VNVC.

Ngành y tế khuyến cáo cần tiêm đủ 2 liều vacxin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1-10 tuổi. Ảnh: VNVC.

Bà Hương đề nghị, bệnh viện tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch, thu dung điều trị để giảm các trường hợp nặng, trường hợp tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện và có phương án trong trường hợp cần thiết thì phối hợp với các bệnh viện khác hỗ trợ. Đặc biệt, triển khai tiêm vacxin ưu tiên cho trẻ từ 1-5 tuổi, sau đó mở rộng cho trẻ từ 5-10 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện thường xuyên trao đổi thông báo thông tin các trường hợp bệnh với HCDC và với các tỉnh, thành phố nơi mà bệnh nhân ở, để hạn chế tối đa trường hợp lây bệnh từ TP.HCM về các tỉnh thành.

"Đã có trường hợp lây nhiễm từ TP.HCM về các tỉnh như Đắc Nông, Nghệ An", bà Hương nói và đề nghị bệnh viện tiếp tục đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư để phòng, chống dịch và đặc biệt là  năng lực xét nghiệm. Chủ động liên hệ, báo cáo kịp thời về Sở Y tế, Cục Quản lý Dược trong trường hợp cần các thông tin liên quan đến nhà cung cấp các loại thuốc được cấp phép hoặc trường hợp thiếu.

Tăng cường truyền thông cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế trong công tác chủ động phòng, chống dịch, quan trọng không để được hoang mang. Lưu ý không thể dịch chồng dịch.

Bà Liên cũng đề nghị các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế khẩn trương cập nhật phác đồ điều trị; tăng cường tập huấn, hội chẩn từ xa; chuẩn bị nguồn cung ứng thuốc ổn định, cũng như nghiên cứu vacxin tiêm cho trẻ 6-9 tháng tuổi.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.