| Hotline: 0983.970.780

Sớm ‘kích hoạt’ các mỏ cát sông cho dự án trọng điểm phía Nam

Thứ Ba 02/07/2024 , 22:10 (GMT+7)

Trước áp lực khan hiếm cát san lấp cho các dự án trọng điểm phía Nam, các tỉnh ĐBSCL đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, sớm cấp phép khai thác các mỏ cát sông.

Ngày 2/7, Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP.HCM và TP Cần Thơ. 

Theo ước tính, tổng nhu cầu cát san lấp cho 5 dự án đường cao tốc tại ĐBSCL và Vành đai 3 TP.HCM lên tới 63 triệu m3, hiện thiếu hụt 24,4 triệu m3. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ước tính, tổng nhu cầu cát san lấp cho 5 dự án đường cao tốc tại ĐBSCL và Vành đai 3 TP.HCM lên tới 63 triệu m3, hiện thiếu hụt 24,4 triệu m3. Ảnh: Minh Đảm.

Kiến nghị sớm cấp phép khai thác

Theo UBND TP.HCM, dự án Vành đai 3 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre cung ứng 10 triệu m3, riêng trong năm 2024 là 4,7 triệu m3. Theo Ban Giao thông TP.HCM, qua làm việc với các địa phương đã xác định được vị trí mỏ, thời trữ lượng và thời gian dự kiến hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác.

Cụ thể, tỉnh Tiền Giang đã xác định được 3 mỏ cát với trữ lượng 5,7 triệu m3, đến cuối tháng 8/2024 sẽ hoàn thành thủ tục cấp phép. Vĩnh Long dự kiến cũng có 6 mỏ với trữ lượng 2,8 triệu m3, thủ tục cấp phép cũng hoàn thành vào cuối tháng 8/2024. Bến Tre cũng đã xác định được 6 mỏ, trữ lượng khoảng 14,9 triệu m3, dự kiến đến tháng 12/2024 mới hoàn thành thủ tục cấp phép.

Để đẩy nhanh tiến độ cung cấp nguồn vật liệu cho dự án này, UBND TP.HCM kiến nghị UBND các tỉnh cũng như Tổ công tác liên ngành về vật liệu sớm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về trình tự, thủ tục cấp phép các mỏ.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị các địa phương hỗ trợ sớm hoàn thành thủ tục cấp phép các mỏ cát cho dự án Vành đai 3. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị các địa phương hỗ trợ sớm hoàn thành thủ tục cấp phép các mỏ cát cho dự án Vành đai 3. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đối với dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 37,42km, tổng kinh phí đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Hiện, TP Cần Thơ đã giải phóng mặt bằng được 99,48%, cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, dự án gặp khó do thiếu lượng cát san lấp khoảng 7 triệu m3. Theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ cho dự án khoảng 2,3 - 2,4 triệu m3 cát. Do đó, Cần Thơ còn cần khoảng 4,5 triệu m3 cát để san lấp cho dự án này. Địa phương rất mong Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ nguồn cát san lấp.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Bến Tre cung cấp khối lượng cát 2 triệu m3 để cung cấp cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Bến Tre hỗ trợ cung cấp 3,3 triệu m3 cát để Hậu Giang thực hiện dự án.

Tiền Giang - Bến Tre: Kiến nghị thay đổi quy hoạch tỉnh

Hiện nay, nếu như theo quy hoạch khai thác cát sông thời kỳ 2021 - 2025 thì lượng cát khai thác tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre sẽ không đáp ứng được chỉ tiêu mà Chính phủ giao.

Đoàn công tác làm việc tại Tiền Giang sáng 2/7. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác làm việc tại Tiền Giang sáng 2/7. Ảnh: Minh Đảm.

Tiền Giang được Chính phủ giao chỉ tiêu cung cấp 15,95 triệu m3 cho 5 dự án, trong đó TP.HCM cần 6,6 triệu m3 cát để thực hiện Dự án Đường Vành đai 3. Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, để cung ứng đủ lượng cát này, tỉnh báo cáo Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762 cho phép nâng công suất cấp phép khai thác cát sông giai đoạn 2021 - 2030 từ 4,5 triệu m3/năm lên 9 triệu m3/năm.

Bên cạnh đó, để triển khai 3 mỏ cát phục vụ cho Dự án Đường Vành đai 3 một cách chặt chẽ, ngày 1/7, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp xuống làm việc với các cấp chính quyền ở khu vực các mỏ cát để lấy ý kiến bước đầu. Qua đó, từ trưởng ấp đến Bí thư Huyện ủy đều đồng thuận cao. UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Tổ công tác có văn bản hướng dẫn rút ngắn thủ tục cấp phép để sớm cấp giấy phép khai thác và cung cấp cát cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Trữ lượng cát của tỉnh Tiền Giang ước trên 40 triệu m3. Ảnh: Minh Đảm.

Trữ lượng cát của tỉnh Tiền Giang ước trên 40 triệu m3. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với tỉnh Bến Tre, theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, địa phương sẽ cung ứng 7,37 triệu m3 cát cho các dự án. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), dự kiến đề xuất 5 khu vực mỏ trên sông Ba Lai đưa vào cấp phép theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 106/2023/QH15. Trong 5 khu vực mỏ, có 3 khu vực mỏ thuộc Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đang triển khai thực hiện). Về hiện trạng, 5 khu vực mỏ chưa có kết quả thăm dò.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã họp các Sở, ngành để lấy ý kiến điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đối với nội dung phân kỳ khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc Khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đáp ứng sự khan hiếm vật liệu san lấp hiện nay. Theo ông Tuấn, nội dung cần điều chỉnh là đưa những mỏ cát quy hoạch khai thác ở thời kỳ 2026 - 2030 khai thác trong giai đoạn này để đáp ứng được khối lượng cát mà Chính phủ đã phân bổ.

Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Bến Tre chiều 2/7. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Bến Tre chiều 2/7. Ảnh: Minh Đảm.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc khai thác cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm trong khu vực, Bến Tre kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn để tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106 của Quốc hội. Sớm ban hành tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản đối với các dự án, công trình nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa…

Khẩn trương tháo gỡ, rút ngắn thời gian cấp phép

Qua nghe ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các địa phương về các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện cung ứng vật liệu san lấp, đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã giải thích rõ về các quy định và luật liên quan.

Đối với tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị về trình tự thủ tục thực hiện cấp phép các mỏ cát, tỉnh căn cứ theo quy định pháp luật thực hiện, theo hướng dẫn của Bộ TN-MT. Tiền Giang đã tính toán thời gian thực hiện thủ tục 6 bước về cấp phép khai thác mỏ trong khoảng 2 tháng. Ông Lâm thống nhất nhưng vẫn cho rằng vẫn có thể rút ngắn thêm thời gian. Tỉnh cần chỉ đạo Sở TN-MT rà soát lại các bước, ưu tiên giải quyết các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép các mỏ cát. Liên quan đến việc cấp cát cho các dự án giao thông trọng điểm còn lại, Tiền Giang cần sớm thực hiện các thủ tục để điều chỉnh nội dung Quy hoạch tỉnh về nâng công suất khai thác cát sông.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục tháo gỡ khó khăn, sớm cấp phép khai thác cát cung cấp cho các dự án như chỉ đạo của Chính phủ. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục tháo gỡ khó khăn, sớm cấp phép khai thác cát cung cấp cho các dự án như chỉ đạo của Chính phủ. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với Bến Tre, ông Nguyễn Duy Lâm đề nghị các thành viên Tổ Công tác xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Liên quan đến các vấn đề vướng mắc về quy định pháp luật về đất đai, ông đề nghị tỉnh có văn bản gửi về Bộ TN-MT để trao đổi, tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề này.

UBND tỉnh Bến Tre cần chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật tham mưu cho tỉnh để tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác cát, đáp ứng tiến độ cung cấp cát cho các dự án. Đồng thời Bến Tre nên nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, trình tự thủ tục tổ chức khai thác cát của các tỉnh lân cận để áp dụng. 

“Ngoài ra, Bộ TN-MT đã có hướng dẫn cấp phép khai thác cát, do đó, tôi đề nghị Bến Tre có quy trình, thủ tục rút gọn trong việc thực hiện cấp phép khai thác cát để tiết kiệm thời gian”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nói.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.