| Hotline: 0983.970.780

Thiếu cát san lấp: Lấy cát tại ĐBSCL chứ không mua của Campuchia

Thứ Hai 24/06/2024 , 20:43 (GMT+7)

BẾN TRE Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, khi mua cát từ Campuchia, các dự án sẽ tăng chi phí vận chuyển, đội giá lên.

Ngày 24/6, tại tỉnh Bến Tre, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận, chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận, chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng  Trần Hồng Hà cùng với lãnh đạo các địa phương thảo luận, bàn hướng tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng cát cho các công trình giao thông trọng điểm như: đường Vành đai 3 (TP.HCM), cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Gò Quao - Vĩnh Thuận...

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tại các tỉnh phía Nam, có 16 dự án giao thông trọng điểm, đang thiếu 65 triệu m3 cát. Hiện tại, Bộ đang thí điểm thử nghiệm sử dụng cát biển nguồn khai thác từ tỉnh Sóc Trăng để đánh giá tác động môi trường, bên cạnh đó nâng công suất các mỏ cát sông để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, tỉnh có 6 mỏ cát được quy hoạch khai thác trong giai đoạn 2021 - 2025, đang thực hiện đấu giá quyền khai thác với trữ lượng gần 10 triệu m3. Dự kiến, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức đấu giá vào cuối 2024, đưa vào khai thác 3 mỏ gồm: Quới Sơn, An Đức - An Hòa Tây, An Hiệp - An Ngãi Tây. Đến đầu năm 2025, sẽ tiếp tục đưa vào khai thác 3 mỏ trên sông Ba Lai để cung ứng cho các dự án giao thông trọng điểm.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Tại tỉnh Sóc Trăng, địa phương này có 5 mỏ cát, trong đó có 1 mỏ đã cấp phép, còn lại 4 mỏ đang chuẩn bị đấu giá. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng có công văn gửi 29 tỉnh, thành có 21 dự án trọng điểm quốc gia có nhu cầu cát biển để cung ứng.

“Hiện có 1 số địa phương, ban quản lý dự án đăng ký để cung ứng cho các dự án với khối lượng khoảng 24,9 triệu m3. Tỉnh Sóc Trăng chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường giao quyền khai thác cát biển để tiến hành khai thác trong thời gian tới”, ông Trần Văn Lâu cho biết.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ vấn đề thiếu cát san lấp cho các dự án này, tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện còn chậm, nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ. Phó Thủ tướng nhìn nhận lỗi do Chính phủ không sâu sát, chi tiết. Dẫu vậy, việc thực hiện ở một số địa phương tính chấp hành, hiệu lực thấp.

“Ví dụ, đường Vành đai 3 đã bàn tăng cơ chế trước 16/6 nhưng không thực hiện nên xảy ra việc thiếu cát. Cuộc họp này, chúng ta nói với nhau thẳng thắn, cùng nhau thể hiện tinh thần trách nhiệm. Trung ương có trách nhiệm của Trung ương và địa phương có trách nhiệm của địa phương, ai không làm được sẽ xem xét trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng giao cho Bộ GTVT làm việc chi tiết điều tiết từ ngang sang dọc, thậm chí cân nhắc việc phân bổ công suất ở các mỏ không đều là cần thiết.

Đối với tiến độ khai thác 4 mỏ cát của tỉnh An Giang để cung cấp cho trục Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phải thực hiện đúng kết luận của Thủ tướng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT quản lý theo yêu cầu nhà thầu; điều tiết nhưng không làm tăng thêm gánh nặng cho các địa phương. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng hướng dẫn các địa phương liên quan trình tự, thủ tục nâng công suất, quyết định chỉ định đầu tư, cấp mỏ; nhất là ở Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang...

Riêng Bộ GTVT có văn bản công bố quy chuẩn định mức với Bộ Xây dựng về cát biển, công nghệ đánh giá. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nói cũng không khuyến khích san lấp hoàn toàn bằng cát biển mà chỉ dùng để làm lớp nền, phải có một lớp cát sông phía trên để cô lập cát biển.

Đối với TP.HCM, Thành phố cử cán bộ, ban quản lý dự án làm việc với tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre quán triệt tinh thần cam kết mạnh mẽ, không để đội giá lên, mất thời gian điều chỉnh.

Trước đó, Phó Thủ tướng khảo sát mỏ cát Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Trước đó, Phó Thủ tướng khảo sát mỏ cát Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

“Phương án của tôi là cùng các địa phương lấy cát sông của các tỉnh khu vực ĐBSCL cung ứng cho các dự án trọng điểm chứ không phải mua cát của Campuchia. Với tinh thần như vậy, cái gì của Chính phủ thì Chính phủ làm, cái gì của Bộ, ngành thì Bộ, ngành làm, cái gì của địa phương thì địa phương làm. Ai không làm sẽ chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng tướng một lần nữa nhấn mạnh.

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chuyến khảo sát thực tế tại mỏ cát Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Qua khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bến Tre nghiên cứu thực hiện áp dụng cơ chế đặc thù để phục vụ cát san lấp cho một số công trình cao tốc ở miền Tây và đường Vành đai 3, TP.HCM.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.