| Hotline: 0983.970.780

Sông Ngàn Phố lấn làng, lấn bãi

Thứ Năm 30/05/2024 , 08:33 (GMT+7)

Nước thượng nguồn cuồn cuộn đổ xuống sau các trận mưa lớn khiến bờ sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa khu dân cư.

Bãi Bè nằm bên sông Ngàn Phố được hình thành từ xa xưa, khu vực này có diện tích khoảng 30ha, là nơi canh tác cây trồng ngắn ngày như ngô, sắn, đậu, lạc… của 120 hộ dân thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn.

Bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn Kim Thành, xã Sơn Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Nga.

Bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn Kim Thành, xã Sơn Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Nga.

Sau nhiều năm hứng chịu các đợt mưa lũ lớn, bãi Bè bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, 4 năm trở lại đây, sông Ngàn Phố đang có dấu hiệu bị chuyển dòng, đe dọa khu dân cư, cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác.

Bà Nguyễn Thị Long, trú thôn Kim Thành, xã Sơn Tây cho biết, gia đình bà có 2 sào đất màu nằm sát sông Ngàn Phố. Trước đây khi chưa bị sạt lở, mỗi năm gia đình thu hoạch 1 vụ lạc, 1 vụ ngô. Thu nhập không cao nhưng đảm bảo sinh kế và phục vụ chăn nuôi trâu bò.

Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt biến sông Ngàn Phố thành “hà bá”, mỗi năm “nuốt” hàng chục m3 đất sản xuất của gia đình bà.

“Chúng tôi mong muốn ngành chức năng sớm có phương án để khắc phục. Nếu không được xử lý sạt lở tiếp tục lấn sâu, dân không còn đất để sản xuất”, bà Long nói.

Sông 'nuốt' đất sản xuất khiến người dân lo lắng. Ảnh: Thanh Nga.

Sông "nuốt" đất sản xuất khiến người dân lo lắng. Ảnh: Thanh Nga.

Không có đất sản xuất ở bãi Bè nhưng gia đình ông Tuấn lại sinh sống sát bờ sông Ngàn Phố. Hàng năm, chứng kiến đất sản xuất bị trôi theo dòng nước ông lo ngại sẽ đến lúc sông lấn làng, đe dọa khu dân cư. Đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Xác nhận về tình trạng sạt lở trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Đông, Trưởng thôn Kim Thành cho biết, hiện nay sông Ngàn Phố đổi dòng về phía bãi Bè gây sạt lở khoảng 1km đất sản xuất. Nhiều vị trí có những điểm nứt rất lớn, đất trôi xuống sông. Với tốc độ sạt lở bình quân mỗi năm từ 10 - 15m thì nguy cơ sẽ mất hết đất sản xuất ở bãi Bè trong 4 – 5 năm tới là khó tránh khỏi.

“Trước đây vùng sản xuất này có tổng diện tích hơn 30ha, đến nay chỉ còn khoảng 25ha. Người dân và chính quyền kiến nghị các cấp nghiên cứu phương án làm kè bờ sông đoạn qua thôn Kim Thành để đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ đất sản xuất cho người dân địa phương”, Trưởng thôn Kim Thành nhấn mạnh.

Mỗi năm sạt lở chiều dài từ 10 - 15m. Ảnh: Thanh Nga.

Mỗi năm sạt lở chiều dài từ 10 - 15m. Ảnh: Thanh Nga.

Trao đổi với PV, ông Cao Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây thông tin, cứ đến mùa mưa lũ nước sông Ngàn Phố dâng cao chảy mạnh gây sạt lở nặng nề tại bãi Bè. Những năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, địa phương đều nhận được phản ảnh của người dân, họ mong muốn có các biện pháp giảm thiểu sạt lở ở bãi Bè. Xã Sơn Tây cũng đã tính toán đến phương án trồng tre giữ đất, song việc này khó khả thi vì tình trạng sạt lở nghiêm trọng nên việc trồng tre cũng dễ bị cuốn trôi khi lũ về.

“Việc xây dựng bờ kè chống sạt lở cần kinh phí lớn, địa phương không thể có ngân sách làm nên mong muốn cấp trên hỗ trợ nguồn vốn xây dựng kè để người dân giữ lại được đất và yên tâm sản xuất”, ông Đức nói thêm.

'Hà bá' đã cuốn trôi hàng nghìn m3 đất sản xuất của người dân Sơn Tây. Ảnh: Thanh Nga.

"Hà bá" đã cuốn trôi hàng nghìn m3 đất sản xuất của người dân Sơn Tây. Ảnh: Thanh Nga.

Về phía huyện Hương Sơn, UBND huyện đã đề xuất tỉnh và trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí khắc phục khẩn cấp thiên tai để làm kè, tuy nhiên do nguồn kinh phí khó khăn nên vẫn chưa bố trí được vốn.

“Sắp tới chúng tôi tiếp tục đề xuất cấp trên nghiên cứu, tranh thủ các nguồn vốn để dự án xây kè chống sạt lở sớm được thực hiện”, một lãnh đạo huyện Hương Sơn nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.