| Hotline: 0983.970.780

Hết nỗi lo sông 'nuốt' làng

Thứ Tư 06/03/2024 , 07:51 (GMT+7)

Tỉnh Kon Tum sẽ đầu tư đoạn kè dài 1km để bảo vệ cuộc sống của 350 hộ dân. Theo đó, khu trung tâm hành chính của huyện Kon Rẫy sẽ không bị sông 'nuốt'.

Trụ sở trung tâm hành chính huyện nằm bên kia sông, nếu không có kè, sẽ đối diện nguy cơ bị sạt lở. Ảnh: Đăng Lâm.

Trụ sở trung tâm hành chính huyện nằm bên kia sông, nếu không có kè, sẽ đối diện nguy cơ bị sạt lở. Ảnh: Đăng Lâm.

Khẩn cấp đầu tư

Giữa năm 2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có bài phản ánh, sông Đăk Snghé đoạn qua xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) thường xuyên sạt lở vào mùa mưa bão, uy hiếp hạ tầng trung tâm hành chính huyện và đất sản xuất, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ven sông. Người dân khao khát được đầu tư kè để ổn định cuộc sống.

Hơn nửa năm sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, mong mỏi làm kè ven sông của người dân nơi đây đã thành hiện thực khi mà mới đây, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định công bố tình huống khẩn cấp đối với công trình “Khắc phục sạt lở bờ sông Đăk Snghé, huyện Kon Rẫy”.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, đoạn sông Đăk Snghé đi qua Trung tâm hành chính huyện đang đối diện với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng do tác động của dòng chảy mạnh, cộng thêm nhiều vật trôi nổi từ thượng nguồn đổ về do mưa, bão gây ra.

Hàng năm, khi mùa mưa lũ về, tình trạng xói lở hai bên bờ sông vẫn còn tiếp diễn và có nguy cơ xâm thực ngày càng mạnh, gây sạt lở hai bên đầu cầu Kon Brai thuộc Quốc lộ 24. Một số vị trí sạt lở đã ăn sâu vào bên trong bờ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của 350 hộ/1.300 khẩu đang sinh sống hai bên bờ.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum, lập thủ tục đầu tư xây dựng khẩn cấp công trình khắc phục sạt lở sông Đăk Snghé, huyện Kon Rẫy.

Sông Đăk Snghé ăm sâu vào làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng, nguu cơ đứt đường. Ảnh: Đăng Lâm.

Sông Đăk Snghé ăm sâu vào làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng, nguu cơ đứt đường. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo phương án, sẽ xây dựng tuyến kè 2 bên bờ dài 1km. Trong đó, bờ tả sông có chiều dài tuyến khoảng 550m, nhằm khắc phục sạt lở bờ sông đoạn qua khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy và mố cầu Kon Brai; Bờ hữu sông có chiều dài tuyến khoảng 450m, nhằm khắc phục sạt lở bờ sông đoạn qua khu dân cư xã Đăk Ruồng, mố cầu Kon Brai, tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 24 vào làng Kon Skôi và khu dân cư nơi đây.

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương phân bổ 130 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung năm 2023 để xây dựng công trình cấp bách dự án Kè chống sạt lở sông Đăk Snghé, huyện Kon Rẫy. 

Dân Kon Skôi phấn khởi mong chờ dự án

Sông Đăk Snghé, đoạn qua xã Đăk Ruồng mùa này cạn nước, người dân tất bật sản xuất nông nghiệp dọc hai bên bờ sông. Nhiều đoạn sông, hai bên bờ bị sạt lở, đất sản xuất bị cuốn xuống lòng sông. Nhiều đoạn khác, sông ăn sâu vào đường, nguy cơ đứt đường bê tông dẫn vào làng Kon Skôi (xã Đăk Ruồng). Nhiều nhà dân nằm ven sông cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở.

Ông A Loan, Trưởng thôn Kon Skôi bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết khi nghe thông tin UBND tỉnh Kon Tum đầu tư kè chống sạt lở trên sông Đăk Snghé. Ông nói: “Bao năm qua, cứ mùa mưa bão đổ về, bà con khốn khổ vì sông bị sạt lở, nuốt dần đất sản xuất. Lòng sông từ chỗ hẹp, sau thời gian gặm nhấm đất sản xuất, đã ngày càng phình to. Có thời điểm mưa bão, nước sông cuốn bay nhà dân. Mưa bão đến, dân sống dọc sông phải di dời lên nơi ở cao ráo.  Đời sống người dân bao năm khốn khổ vì sạt lở bờ sông. Việc đầu tư kè cũng chính là giải quyết mong mỏi của người dân. Nếu đầu tư kè, người dân trong làng có thể sống an cư, an toàn. Bà con sẽ rất vui”.

Đất sản xuất dọc sông của người dân xã Đăk Ruồng bị sông nuốt. Ảnh: Đăng Lâm.

Đất sản xuất dọc sông của người dân xã Đăk Ruồng bị sông nuốt. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết, UBND tỉnh quan tâm, ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp đối với công trình “Khắc phục sạt lở bờ sông Đăk Snghé” là việc rất cần thiết để sớm đầu tư dự án. “Việc dự án được đầu tư sẽ giúp ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ song, bảo vệ an toàn công trình hạ tầng, trụ sở cơ quan Nhà nước, đồng thời góp phần quan trọng để chỉnh trang, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V theo nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Hay tin dự án được đầu tư, người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông rất vui, phấn khởi”, ông Thủy cho biết.  

Còn với ông Đỗ Dũng Sỹ, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng thì dự án kè chống sạt lở sông Đăk Snghé có vai trò quan trọng đến sự ổn định dân cư ven sông và phát triển kinh tế địa phương. Đây là dự án trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển. “Địa phương mong muốn dự án sớm triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để người dân được hưởng lợi”, ông Sỹ gửi lời mong mỏi của người dân trong xã đến chính quyền cấp trên.

Hoàn thành trong năm 2024

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum (đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án) cho biết: Ban đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh ban hành thủ tục lệnh xây dựng khẩn cấp công trình. Hiện Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh ban bố lệnh xây dựng khẩn cấp. “Khi có lệnh xây dựng khẩn cấp này, Ban sẽ chọn nhà thầu thiết kế, thi công để xây dựng, hoàn thành trước mùa mưa năm 2024”

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.