| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái

Hà bá 'ngoạm' hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp

Thứ Bảy 23/03/2024 , 07:26 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở bờ sông Hồng kéo dài đã nuốt hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp, hiện nay đang trực tiếp đe dọa tính mạng của một số hộ dân trong khu vực.

Hàng chục nghìn m2 đất soi bãi của người dân ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên bị sạt lở xuống sông Hồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng chục nghìn m2 đất soi bãi của người dân ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên bị sạt lở xuống sông Hồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều năm trở lại đây, bờ sông Hồng đoạn thượng lưu cầu Móc Tôm, thuộc địa phận thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, cuộc sống và sản xuất của người dân. Hiện một số gia đình đã phải di dời, bỏ lại nhà cửa, trong khi người ở lại vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi lũ về. Đất canh tác đang bị dòng sông Hồng “nuốt” từng ngày...

Người dân nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa lũ

Theo quan sát của phóng viên, hơn 200 m đường bê tông nội thôn bị đứt gãy, sụt lún, một số đoạn đã biến mất hoàn toàn dưới lòng sông. Phía trên, những vết nứt kéo dài như thể báo trước khu vực này có thể sạt lở bất kỳ lúc nào. 2 ngôi nhà xây bỏ hoang nằm trơ trọi, chênh vênh bên bờ sông, chủ nhân của chúng đã rời đi bởi bất an cho tính mạng của gia đình.

Một ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông Hồng, chủ nhân đã di dời đến nơi ở an toàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Một ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông Hồng, chủ nhân đã di dời đến nơi ở an toàn. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình ông Lê Công Tiền ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp là một trong những hộ còn bám trụ lại nơi này. Ông Tiền giãi bày, trước đây vị trí của bờ sông nằm cách mép sân nhà ông hàng trăm mét, rồi mỗi năm thu hẹp dần. Thiệt hại nặng nhất là do hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2018, nước sông Hồng dâng cao, kết hợp với việc thay đổi dòng chảy đã gây sạt lở đất bờ sông khu vực thôn Đình Xây.

Chiều dài đoạn sạt lở trên 100 m, chiều cao từ mặt đường đến mép nước gần 7 m. Điểm sạt lở tạo hàm ếch rất sâu, có nguy cơ làm sạt lở toàn bộ nhà ở và tài sản của 4 hộ gia đình đang sinh sống tại khu vực xuống sông Hồng.

Do tình hình nguy hiểm, 2 hộ dân trong xóm đã di chuyển đến nơi an toàn. Gia đình ông Tiền vẫn tiếp tục ở lại, mỗi mùa nước lớn lại thấp thỏm lo lắng, nhưng cũng chưa có phương án nào.

Ông Lê Công Tiền kể về câu chuyện sạt lở năm 2018 và nỗi lo mỗi mùa mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lê Công Tiền kể về câu chuyện sạt lở năm 2018 và nỗi lo mỗi mùa mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Chỉ sang ngôi nhà bên cạnh, ông Tiền cho biết thêm: “Ngôi nhà này của gia đình con trai tôi, mới xây xong ở được 2 năm thì phải di dời đi chỗ khác. Còn vợ chồng tôi ở lại cùng 2 người con nữa, giờ đây mỗi khi mưa lũ đều nơm nớp lo sợ, cả đêm không dám ngủ để sẵn sàng di tản”.

Những công trình phụ của người dân bị đổ gẫy do sạt lở bờ sông. Ảnh: Thanh Tiến.

Những công trình phụ của người dân bị đổ gẫy do sạt lở bờ sông. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình bà Nguyễn Thanh Bình hiện vẫn bám trụ lại nơi này vì chưa có điều kiện chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. Vẻ mặt bất an, bà chỉ cho chúng tôi vết nứt dài hàng chục mét trên mặt sân nhà mình. Bên cạnh đó là những chân tường nhà cũng bị nứt do ảnh hưởng của sạt lở.

“Gia đình tôi sinh sống ở đây đã lâu, nhà cửa xây dựng khang trang, giờ nếu di chuyển đi nơi khác thì không có tiền. Ngoài ngôi nhà bị ảnh hưởng, toàn bộ gần 7 sào đất trồng dâu nuôi tằm cũng đã trôi theo dòng nước dữ nên cả khu nhà nuôi tằm cũng đành bỏ trống”, bà Bình bộc bạch.

Đoạn đường bê tông liên thôn bị đứt gãy, sạt xuống dòng sông. Ảnh: Thanh Tiến.

Đoạn đường bê tông liên thôn bị đứt gãy, sạt xuống dòng sông. Ảnh: Thanh Tiến.

Hà bá nuốt trôi hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp

Hiện nay, mặc dù đang mùa nước cạn nhưng tình trạng sạt lở tại đây vẫn diễn ra thường xuyên. Trên mép nước, đất màu vẫn liên tục lở xuống; bờ sông nham nhở hàm ếch, vết nứt lộ ra địa chất nơi đây rất yếu, sẵn sàng sạt lở lớn bất cứ lúc nào...

Dẫn chúng tôi đến thăm ruộng dâu tằm đang từng ngày bị “hà bá” nuốt trôi. Bà Nguyễn Thị Điểm ở thôn Đình Xây cho biết: dòng sông đã cuốn đi hơn 6 sào đất soi bãi ven sông chuyên trồng dâu nuôi tằm của gia đình. Nhiều hộ dân ở đây đều mất đất sản xuất do sói lở bờ sông, trong đó có những gia đình đã mất hết đất canh tác. Dâu, hoa màu là nguồn thu nhập chính của bà con thì nay cũng thu hẹp dần, nhiều khả năng một vài năm nữa cũng mất hết.

Bà Điểm cho biết, tình trạng sạt lở diện tích đất trồng dâu tằm vẫn diễn ra thường xuyên, kể cả trong mùa nước cạn. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Điểm cho biết, tình trạng sạt lở diện tích đất trồng dâu tằm vẫn diễn ra thường xuyên, kể cả trong mùa nước cạn. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo một số người dân địa phương, nguyên nhân sạt lở có thể là do hoạt động khai thác cát, sỏi cộng với các yếu tố tự nhiên khác. Tình trạng sạt lở bờ sông ở khu vực này đã diễn ra từ lâu nhưng khoảng 5 - 6 năm trở lại đây diễn ra mạnh hơn. Những vết nứt trên soi bãi kéo dài, mỗi khi có tàu thuyền chạy qua tạo thành sóng mạnh đất lại lở xuống. Những taluy âm bên bờ sông cao cả chục mét, đất phù sa sói lở loang lổ.

Từ mặt ruộng tới mặt nước sông cao cả chục mét, tình trạng sạt lở ngày càng lớn. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ mặt ruộng tới mặt nước sông cao cả chục mét, tình trạng sạt lở ngày càng lớn. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đào Tiến Khiêm - Trưởng thôn Đình Xây cho biết, trước đây dòng chảy của sông Hồng đoạn qua khu vực này ở bên đối diện, phía bên này là bờ bồi, do nhiều nguyên nhân trong đó có những tác động của con người khoảng chục năm gần đây dòng chảy đã thay đổi, gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Theo ước lượng sơ bộ, tình trạng sạt lở đã làm mất khoảng 30.000 m2 đất nông nghiệp, đây là diện tích chuyên canh tác dâu tằm, hoa màu của người dân. Bà con đã kiến nghị nhiều lần tới chính quyền các cấp mong muốn sớm triển khai xây dựng kè bờ sông, khắc phục sạt lở để yên tâm sinh sống và sản xuất.

Trước khi có kè, cần đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân

Trước thực trạng nguy hiểm này, huyện Trấn Yên đã tuyên truyền, vận động 2 hộ dân nguy cơ sạt lở cao ra khỏi khu vực này. UBND huyện đã báo cáo tỉnh Yên Bái, đề nghị xây dựng kè chống sạt lở để bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện nay dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để sớm khởi công.

Một vệt đất mới sạt xuống sông còn mới nguyên. Ảnh: Thanh Tiến.

Một vệt đất mới sạt xuống sông còn mới nguyên. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: Dự án kè chống sạt lở và phát triển cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hồng hiện đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt với tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong khu vực cũng như bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tạo sự ổn định cho người dân sinh sống, sản xuất.

Theo đó sẽ xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên với tổng chiều dài 4.227m. Riêng đoạn khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp có chiều dài tuyến kè 583m, thời gian thực hiện là 4 năm kể từ năm đầu bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án.

Dự án mới nằm trên giấy, việc khởi công chưa hẹn ngày. Tình trạng hà bá “ngoạm” đất nông nghiệp vẫn diễn ra hàng ngày, mùa mưa lũ đang đến gần, tính mạng, tài sản của người dân tiếp tục bị đe dọa. Vì vậy, trong khi chờ công trình kè bờ sông hoàn thành, chính quyền địa phương cần có những giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt, các hộ dân cần đặt tính mạng của mình là quan trọng nhất, không chủ quan để xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm